Lãnh đạo 4 nước đánh “đòn cân não” về tương lai Ukraine

Cuộc hội đàm kín giữa lãnh đạo 4 nước nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã kéo dài xuyên đêm và nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong nhiều giờ đồng hồ tới.

Ngày 12/2, cuộc hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo 4 nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp tại thủ đô Minsk của Belarus đã kéo dài hơn 8 giờ nhằm đưa ra một giải pháp khả thi để chấm dứt 10 tháng giao tranh đẫm máu ở miền đông Ukraine.

Trước khi cuộc hội đàm cấp cao 4 bên này diễn ra, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tuyên bố rằng đây là cơ hội cuối cùng để có thể chấm dứt cuộc xung đột. Ông này nhấn mạnh: “Hoặc là sẽ có một lệnh ngừng bắn và thỏa thuận rút vũ khí hạng nặng, hoặc là tình hình sẽ vuột khỏi tầm kiểm soát”.

Cuộc hội đàm đã kéo dài xuyên đêm khi Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Poroshenko cùng thảo luận kín trong một căn phòng ở dinh tổng thống Belarus mà không có các cố vấn đi kèm.

Lãnh đạo 4 nước đánh “đòn cân não” về tương lai Ukraine - 1
Lãnh đạo 4 nước đang "đánh đòn cân não" để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine

 

Ông Valeriy Chaly, trợ lý tổng thống Ukraine đã gọi đây là một “trận chiến cân não”, và nó có thể kéo dài thêm ít nhất 5 đến 6 giờ đồng hồ nữa, khi các bên “quyết không rời khỏi đây mà không đạt được thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện”.

Trước đó, một quan chức ngoại giao Ukraine cũng tiết lộ với hãng tin AFP rằng cuộc hội đàm đã “có tiến triển” những vẫn “vô cùng khó khăn”.

Một nguồn tin thân cận cho biết lãnh đạo 4 nước hy vọng có thể ký một tuyên bố chung kêu gọi các bên tuân thủ kế hoạch hòa bình đã được Ukraine và phe ly khai ký kết hồi tháng Chín năm ngoái.

Tuy nhiên triển vọng đạt được bước đột phá trong cuộc hội đàm này là rất mong manh, khi chiến sự vẫn đang diễn ra ác liệt ở miền đông Ukraine và đẩy quan hệ giữa Nga với phương Tây vào tình trạng căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius gọi đây là “cơ hội đàm phán cuối cùng” để chấm dứt cuộc xung đột, trong khi Steffen Seibert, người phát ngôn của bà Merkel thì nhấn mạnh cuộc hội đàm “tạo ra một tia hy vọng, không hơn”.

Các nhà ngoại giao phương Tây cũng cảnh báo rằng các bên vẫn đang bế tắc trong những vấn đề mấu chốt, trong khi Tổng thống Poroshenko đe dọa sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc nếu cuộc hội đàm Minsk thất bại.

Lãnh đạo 4 nước đánh “đòn cân não” về tương lai Ukraine - 2
Miền đông Ukraine vẫn chìm ngập trong đạn bom và khói lửa

 

Các quan chức này cho rằng phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine sẽ không chịu từ bỏ những khu vực mà họ vừa chiếm được trong cuộc tấn công kéo dài 4 tuần qua, trong khi phía Nga lại cáo buộc rằng quân đội Ukraine đang tìm cách lấn chiếm lãnh thổ để làm đòn bẩy cho các cuộc đàm phán.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh Ukraine không được phép đòi kiểm soát đường biên giới với Nga tại khu vực do phi ly khai kiểm soát làm yêu cầu tiên quyết cho bất cứ thỏa thuận nào, đồng thời kêu gọi chính phủ Ukraine và phe ly khai đối thoại trực tiếp với nhau.

Hôm 11/2, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã ra tuyên bố yêu cầu “một lệnh ngừng bắn, rút toàn bộ quân đội nước ngoài và đóng cửa biên giới” trước khi ký các thỏa thuận hòa bình.

Cuộc hội đàm 4 bên ở Minsk cũng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Hôm 10/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với ông Putin và Poroshenko để bàn về tương lai của cuộc xung đột Ukraine.

Trong cuộc nói chuyện với ông Putin, Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng Nga sẽ phải “trả giá đắt hơn” nếu “tiếp tục ủng hộ phe ly khai ở Ukraine bằng các hình thức khác nhau”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột “nội bộ” hiện nay ở Ukraine.

Nga vẫn luôn bác bỏ cáo buộc của phương Tây đưa ra rằng Moscow đang điều binh sĩ và viện trợ vũ khí tới miền đông Ukraine. Kiev và phương Tây tin rằng Nga muốn giữ Ukraine tránh xa NATO bằng cách duy trì một “cuộc xung đột nguội” ở miền đông nước này trong nhiều năm tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN