Ở nơi người lớn chỉ muốn con cháu lấy người trong họ

Dù đã hàng nghìn năm trôi qua nhưng việc kết hôn nội tộc vẫn được coi là bình thường, thậm chí bắt buộc ở nhiều nơi tại Trung Đông và Ai Cập.

Ở nơi người lớn chỉ muốn con cháu lấy người trong họ - 1

Nữ hoàng Ai Cập nổi tiếng Cleopatra cũng kết hôn với anh họ

Maha Saad Zaki, giáo sư gen lâm sàng, cùng vợ chồng Ahmed, Fatima và các con của họ vào Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Ai Cập. Ít nhất 3 trong số 6 đứa con của họ đều mắc chứng bệnh tâm thần hiếm gặp, khởi phát khi 4 tuổi, khiến mất kiểm soát tứ chi, thiểu năng trí tuệ và cuối cùng là cái chết.

Con gái 9 tuổi của họ quỵ xuống và co giật. Chứng bệnh bẩm sinh này xuất hiện vì Ahmed và Fatima, không những là vợ chồng mà còn là anh em cha chú.

Các trường hợp tương tự rất phổ biến tại Trung Đông và Bắc Phi. Kết hôn với người cùng họ hàng tăng khả năng xuất hiện gen lặn nguy hiểm, truyền xuống cho đứa con và gây bệnh.

Tỷ lệ này là 25%. Các bệnh này bao gồm teo đầu, xơ nang và thiếu máu, rối loạn về máu, thậm chí những chứng bệnh hoàn toàn mới. "90% ca bệnh đều có bố mẹ chung huyết thống" Zaki nói.

Thống kê về tỷ lệ kết hôn cùng huyết thống hiện tại khá hiếm. Ước tính trên thế giới, Trung Đông và châu Phi có mức cao nhất thế giới. 40% dân số Ai Cập kết hôn với anh em họ. Tại Jordan, 32% kết hôn với anh em con cô con bác, 17,3% còn lại lấy những người họ hàng xa hơn. 

Ở nơi người lớn chỉ muốn con cháu lấy người trong họ - 2

Một đám cưới tại Ai Cập

Quan sát sơ bộ cho thấy tỷ lệ này còn cao hơn ở các nước nhiều bộ lạc như Iraq, hay các quốc gia vùng Vịnh chẳng hạn như Saudi Arabia, Yemen và Kuwait.

Lý do đầu tiên khiến có nhiều cặp kết hôn nội tộc là vì họ dễ dàng "tìm hiểu" nhau: Gia đình nhà vợ hay chồng có lý lịch ra sao, công ăn việc làm thế nào đều rất rõ ràng. Gia đình càng lớn, càng có nhiều cuộc hôn nhân nội tộc. "Họ tìm kiếm sự tương đồng trong tư tưởng và cư xử" Atef al-Shitany, từ Bộ Y tế Ai Cập giải thích.

Ngoài ra, phối ngẫu cùng huyết thống cũng giúp tài sản không bị phân tán ra bên ngoài. Ở các cộng đồng nông nghiệp vùng Thượng Ai Cập có tỷ lệ hôn nhân cùng huyết thống cao nhất Ai Cập.

Không giống như phương Tây, ở đây hoàn toàn không có kỳ thị xã hội mà còn ngược lại. Một phụ nữ Ai Cập 38 tuổi có 2 con trai mắc chứng còi cọc (khiến đục thủy tinh thể, cơ quan sinh dục nhỏ và học tập kém) do kết hôn với anh họ, cho biết rằng người thân còn chỉ trích cô vì để con gái lấy một người không phải họ hàng.

Ở nơi người lớn chỉ muốn con cháu lấy người trong họ - 3

Ngoài tảo hôn thì kết hôn cận huyết cũng được coi là chuyện "bình thường" ở Ai Cập

Đa số còn có nhận thức sai lầm rằng anh em họ bên mẹ không cùng chung huyết thống. Tín ngưỡng Hồi giáo còn ủng hộ hôn nhân nội tộc. Kinh Koran cho phép kết hôn với bất kỳ ai ngoài cha mẹ, anh chị em, chú bác và các cháu. Fatima, con gái của nhà tiên tri Muhammad, đã kết hôn với anh họ mình là Ali Ibn Abi Talib.

Hơn nữa họ đều không hiểu rõ các rủi ro khi kết hôn cùng huyết thống. Một cuộc khảo sát tại Saudi Arabia cho thấy đa số sẵn lòng kết hôn với anh chị em họ khi chưa được biết về tình huống xấu có thể xảy ra. "Chúng tôi sẽ không kết hôn nếu nhận thức được điều này trước kia", Ahmed nói.

Để giảm thiểu rối loạn di truyền, một số nước đã thực hiện xét nghiệm bắt buộc trước khi kết hôn, góp phần giảm tỷ lệ trẻ sinh ra mắc bệnh thiếu hồng cầu. Tại Tunisia, Chính phủ cũng sẽ tư vấn trước hôn nhân cho những người đã đính hôn với anh chị em họ.

Tại các vùng sâu vùng xa của Ai Cập thì khó khăn hơn, do giáo dục chưa phát triển. Khi được các bác sĩ cảnh báo thì các cặp đôi lại nghĩ rằng xét nghiệm máu sẽ loại bỏ được rủi ro. "Cách duy nhất để loại bỏ điều này là ngừng kết hôn nội tộc, nhưng điều đó dường như vô vọng ở đây" bà Zaki nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mẫn Di - Economist ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN