Đội tàu ngầm Triều Tiên đã sẵn sàng giáng đòn hạt nhân?

Đòn tấn công hạt nhân sử dụng đội tàu ngầm bí mật của Triều Tiên là nỗi khiếp sợ với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đội tàu ngầm Triều Tiên đã sẵn sàng giáng đòn hạt nhân? - 1

Triều Tiên có một số ít các tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo (SLBM).

Theo Express, trong khi Triều Tiên đang ráo riết phát triển tên lửa hạt nhân tầm bắn vươn đến Mỹ, việc Bình Nhưỡng tăng cường sức mạnh tàu ngầm cũng rất đáng chú ý.

Các chuyên gia tin rằng, Triều Tiên hiện có khoảng 70 tàu ngầm, một số ít có khả năng phóng tên lửa đạn đạo (SLBM). Bình Nhưỡng thậm chí đã thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đến mức đủ để lắp vào đầu đạn tên lửa trang bị cho tàu ngầm.

Tháng 8.2016, truyền thông Triều Tiên đăng tải video, cho thấy một tàu ngầm phóng thành công tên lửa KN-11 ở ngoài khơi. Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ tay về phía tên lửa, được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

Tên lửa phóng đi từ tàu ngầm bay được khoảng 500km hướng về biển Nhật Bản. Đây được coi là kỷ lục mới trong chương trình phát triển SLBM của Triều Tiên.

Một trong những mối lo ngại khác là đội tàu ngầm trang bị công nghệ hiện đại có thể “biến mất”, né tránh sự phát hiện của đối phương. Năm 2015, 50 tàu ngầm Triều Tiên mất tích, khiến Seoul và Tokyo phát đi báo động.

Chuyên gia an ninh Bruce Klingner nói trên CNBC: “Chúng tôi không biết đội tàu ngầm bí ẩn của Triều Tiên ở đâu trong một thời điểm nhất định. Tôi hy vọng Mỹ và Hàn Quốc sẽ theo sát các tàu ngầm Triều Tiên có khả năng phóng tên lửa đạn đạo”.

“Mối lo ngại lớn nhất là các tàu ngầm này có thể được trang bị vũ khí hạt nhân”, ông Klingner nói thêm.

Đội tàu ngầm Triều Tiên đã sẵn sàng giáng đòn hạt nhân? - 2

Tàu ngầm Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo vào năm ngoái.

Khả năng Triều Tiên mở đợt tấn công từ tàu ngầm, hơn là một địa điểm trên đất liền, sẽ khiến Hàn Quốc và Nhật Bản đối mặt với mối đe dọa mới.

Theo ông Klingner, do tính chất của cuộc tấn công ở đại dương, Hàn Quốc sẽ không kịp phòng vệ vì đa số các vũ khí đều được tập trung đề phòng đòn tấn công từ biên giới.

Chuyên gia Klingner giải thích, tàu ngầm Triều Tiên có thể né tránh radar và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ đặt ở Triều Tiên. Điều tương tự cũng xảy ra khi tàu ngầm Triều Tiên phóng tên lửa ở vị trí mà tổ hợp Patriot của Nhật Bản không thể đáp trả.

Tàu ngầm từng được quân đội Triều Tiên sử dụng để tạo ra những mối đe dọa rõ rệt. Năm 2009, tàu ngầm Triều Tiên được cho là đã đánh chìm tàu Hàn Quốc, khiến 46 người thiệt mạng.

Một số chuyên gia quân sự khác cảnh báo, Triều Tiên có thể mở rộng khả năng hủy diệt nhờ vào tàu ngầm hạt nhân.

Trong khi đó, chuyên gia Nicholas Eberstadt đến từ Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ nhận định: “Lực lượng tàu ngầm hạt nhân thông thường của Triều Tiên tưởng chừng như không đáng sợ, nhưng họ có thể được trang bị các vũ khí hủy diệt”.

“Ngay cả khi Triều Tiên thua trận, đội tàu ngầm trang bị vũ khí hiện đại cũng có thể tung ra những đòn đánh khiến Mỹ và các đồng minh choáng váng”, ông Eberstadt nói.

Nhận định của các chuyên gia quân sự được đưa ra trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên hết sức căng thẳng, sau khi Mỹ nã tên lửa vào Syria hồi tuần trước.

Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ nói đợt không kích là thông điệp gửi đến Triều Tiên và các nước khác, Bình Nhưỡng thẳng thừng đáp trả bằng lời đe dọa tấn công hạt nhân Mỹ.

Để phô trương sức mạnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson đến bán đảo Triều Tiên.

Báo Nga: Kim Jong-un yêu cầu dân rời thủ đô

25% dân số thủ đô Bình Nhưỡng được cho là đã di dời khẩn cấp, đề phòng tình hình có thể xấu đi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Express ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN