Đại di cư về quê ăn Tết trở thành nét văn hóa Trung Quốc

Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hàng Châu, Thâm Quyến là những điểm đến hàng đầu trong năm nay với hơn 3 tỷ chuyến đi dự kiến diễn ra trên khắp Trung Quốc.

Đại di cư về quê ăn Tết trở thành nét văn hóa Trung Quốc - 1

Người Trung Quốc trong cuộc đại di cư lớn nhất thế giới.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), thời điểm này trong năm được biết đến là cuộc đại di dân lớn nhất trên thế giới. Một lượng lớn người Trung Quốc trở về nhà để đón Tết Nguyên đán, hay còn được gọi là “chunyun”.

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ước tính 2.98 tỷ chuyến đi thực hiện trong giai đoạn 13.1-20.2 để người dân về quê ăn Tết. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc.

“Chunyun” nghĩa là gì?

Cuộc di cư mùa Xuân hay còn gọi là "Chunyun" là cụm từ chỉ giai đoạn 40 ngày đại di cư. Trong thời gian diễn ra Tết Nguyên đán, người Trung Quốc trở về đoàn tụ với gia đình,

Cụm từ này lần đầu tiên được tờ Nhân dân Nhật báo sử dụng những năm 1980. "Chunyun" ngày càng phổ biến và trở thành tên gọi chính thức khi Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không dân dụng để công bố số lượng người dự kiến sẽ sử dụng các dịch vụ vận tải trong ngày lễ năm mới.

Cuộc đại di cư diễn ra vào thời điểm nào?

Quãng thời gian 40 ngày bắt đầu 15 ngày trước thời điểm ngày đầu tiên của năm mới theo âm lịch và kết thúc 25 ngày sau đó. Năm nay, cuộc đại di cư kéo dài từ 13.1-21.2.

Đại di cư về quê ăn Tết trở thành nét văn hóa Trung Quốc - 2

Người Trung Quốc thực hiện 3 tỷ chuyến đi trong cuộc đại di cư năm nay.

Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã nói hoạt động vận tải đạt đến đỉnh điểm vào ngày 23.1 với 83 triệu lượt hành khách sử dụng tất cả các loại phương tiện.

Những người nào tham gia vào cuộc đại di cư?

Đa số những người tham gia vào cuộc đại di cư là các lao động nhập cư và học sinh. Trung Quốc có khoảng 277,5 triệu lao động nhập cư, đóng góp 36% lực lượng lao động của nước này, theo số liệu năm ngoái.

Khoảng 78 triệu lao động nhập cư phải làm việc ở xa nhà thay vì sống ở quê hương.

Vì sao người Trung Quốc chọn thời điểm này?

Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm theo văn hóa Trung Quốc. Đây là cơ hội duy nhất trong năm để người lao động có thể trở về quê nhà, thăm gia đình.  Vì luật lao động Trung Quốc quy định thời gian nghỉ dài ngày trong dịp này.

Ước tính có 61 triệu trẻ em ở vùng quê Trung Quốc phải xa cha mẹ khi họ đến các thành phố để làm việc.

Người Trung Quốc sẽ đi đến đâu?

Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hàng Châu, Thâm Quyến là những điểm đến hàng đầu trong năm nay. Các điểm đến nổi tiếng trong khu vực nội địa bao gồm Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông và Côn Minh ở tỉnh Vân Nam.

Đại di cư về quê ăn Tết trở thành nét văn hóa Trung Quốc - 3

Nhiều người mệt mỏi chờ đợi để có tấm vé kịp về với gia đình.

Người Trung Quốc có xu hướng rời các thành phố lớn trong giai đoạn từ 20.1-28.1 để về quê ăn Tết. Từ ngày 30.1-3.2, lượng người đổ về các thành phố này lại tăng vọt.

Những địa điểm du lịch cũng thu hút lượng khách đáng kể trong năm nay. Tây An và Vũ Hán là hai trong số 4 điểm du lịch hàng đầu trong dịp Tết Nguyên đán.

Tại đây, khách du lịch có thể thưởng thức lẩu cay Vũ Hán, chứng kiến gấu trúc dễ thương ở tỉnh Tứ Xuyên và các chiến binh đất nung ở Tây An. Đây cũng là một trong những thành phố đông dân nhất Trung Quốc.

Người Trung Quốc di chuyển bằng cách nào?

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ước tính, có 2,98 tỷ chuyến đi được thực hiện trong dịp nghỉ lễ năm nay, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Con số này không bao gồm chuyến đi đến từ Đài Loan, Hong Kong và Ma Cao.

Đường sắt và đường bộ là hai hình thức vận chuyển phổ biến nhất. Người Trung Quốc thường lựa chọn đường bộ cho những chuyến đi ngắn, trung bình khoảng 70km. Ước tính đường bộ sẽ chiếm 85% lưu lượng vận tải thực hiện trong dịp này, tương đương 2,5 tỷ chuyến đi.

Khoảng 12%, tương đương 356 triệu chuyến đi bằng tàu hỏa. Các chuyến đi tàu biển và máy bay lần lượt chiếm 1,4% và 2%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN