Chia rẽ không thể hàn gắn trong lòng nước Mỹ sau bầu cử

Không phải ngẫu nhiên mà cả Clinton và Obama đều kêu gọi người dân đoàn kết sau bầu cử, khi chiến thắng của Trump có thể đẩy quốc gia 324 triệu dân vào vòng xoáy của sự chia rẽ cực đoan.

Chia rẽ không thể hàn gắn trong lòng nước Mỹ sau bầu cử - 1

Chị Asad mặc áo cho con trai Bilal, 8 tuổi trước khi tới trường.

Shadi Sadi thức dậy vào ngày 9.11 với nỗi lo lắng âm ỉ. Anh vào phòng con trai và chuẩn bị cho cậu bé tới trường. “Ai thắng vậy bố?”, cậu bé Bilal hỏi cha mình khi mặc lên người chiếc áo siêu nhân.

Sadi, 34 tuổi, rất khó khăn mới nói được rằng “Donald Trump đã giành chiến thắng”. Bilal thất thần. Sadi cố gắng an ủi con trai khi nó bước xuống nhà ăn sáng.

Khoảng một tiếng sau, trong thị trấn Dunn nơi tập trung đông dân lao động, tài xế Gary Godwin tiến vào hiệu bánh Sherry với nụ cười hớn hở. Đó là một tiệm bánh đơn giản, bán bánh rán ngọt và bánh cupcake. Những nhân viên ở đó chào khách hàng bằng nụ cười tươi và gọi tên họ đầy trìu mến.

Godwin ngồi cùng những người bạn lâu năm sống cùng ông trong khu nông trại chuyên trồng khoai lang và thuốc lá gần đó. Đôi mắt họ dán lên TV khi người dẫn chương trình thông báo Trump giành chiến thắng.

“Đó mới là tổng thống của tôi”, Godwin vui vẻ hét lớn. “Trump là một doanh nhân. Ông ấy sẽ bắt những kẻ lười biếng phải làm việc”. Stan Carroll, 70 tuổi đế thêm: “Và tất cả mọi người từ bên kia biên giới sẽ không thể bén mảng vào đất Mỹ”.

Chia rẽ không thể hàn gắn trong lòng nước Mỹ sau bầu cử - 2

Godwin (áo xanh thẫm) và bạn bè đang theo dõi chăm chú kết quả bầu cử.

Đó là buổi sáng đầu tiên trên đất Mỹ sau khi ứng viên đảng Cộng hòa trở thành tổng thống Mỹ. Cuộc bỏ phiếu đầy tranh cãi và sự chia rẽ ở đất nước cờ hoa sẽ còn kéo dài sau khi kết quả công bố. Hai tin tức khác biệt hoàn toàn đưa ra ở bang chiến địa North Carolina cho thấy cộng đồng ở đây phân tách thế nào về mặt quan điểm, lối sống và cả địa lý. Chiến dịch của Trump có thể thành công, nhưng sự hàn gắn hố sâu này là bất khả.

Tại thị trấn Raleigh, Sadi cùng vợ là Amani Asad cảm thấy bối rối và quay cuồng. Họ từng tự hào là người Hồi giáo và vẫn được mang quốc tịch Mỹ. Giờ đây họ lo ngại liệu nước Mỹ “của Trump” có cho phép những người như họ được thực thi tín ngưỡng tôn giáo hay không. Trump từng tuyên bố sẽ cấm cửa mọi người Hồi giáo vào Mỹ và còn chỉ trích thậm tệ một binh sĩ Mỹ gốc Hồi giáo hy sinh ở chiến trường Afghanistan.

Ở thị trấn Dunn, Godwin và bạn đầy lạc quan và phấn chấn. Đây là lần đầu tiên sau vài năm, họ cảm thấy tương lai tươi sáng hơn bao giờ hết. Một số khách hàng ngồi gần Godwin hỏi liệu Trump có mở lại các căn cứ quân sự trong nước hay không. Một người mặc đồ đồng phục của nhân viên thú y nói: “Trump sẽ giảm thuế từ 35% xuống 15% và tôi sẽ là người hạnh phúc nhất”. Sau đó, ông cùng Godwin đập tay, cười mãn nguyện.

“Thời khắc quái quỷ này cuối cùng đã đến”, Godwin hào hứng nói. Cameron Williams, một người nướng bánh ở tiệm Sherry cũng liếc nhìn bản tin khi Trump giành chiến thắng. Cameron bầu cho cựu ngoại trưởng Clinton. “Tôi đã làm hết sức”, Cameron nói. “Dù sao thì kết quả không thay đổi được”.

Chia rẽ không thể hàn gắn trong lòng nước Mỹ sau bầu cử - 3

Cameron Williams đọc báo về bầu cử. Trump trở thành tổng thống là điều Cameron không hề muốn.

Cũng giống như Godwin, hàng chục triệu người dân Mỹ cảm thấy sự lạc quan, điều mà họ thiếu trong vài năm qua. Nhưng Cameron và những cử tri đảng Dân chủ khác lo ngại liệu Trump có thể xử lý những vấn đề nội tại của đất nước này, hay ít nhất là có tư tưởng chính trị mới mẻ hơn những chính khách khác.

“Đảng Dân chủ là đảng của người lao động”, Cameron nói. “Giờ đây đảng Cộng hòa lên và những gì họ thích nói là dân đồng tính và chuyển giới. Thế còn việc làm thì sao?”. Ông thở dài đánh thượt.“Tối quá tôi nghĩ vậy là nước Mỹ cũng sắp được hồi sinh. Vậy mà giờ nó đi theo hướng khác hoàn toàn”, Cameron buồn bã nói.

Bobby Tyndall, 71 tuổi, nói rằng tương lai vẫn là điều bí ẩn nhất lịch sử Mỹ. Ông đang ngồi ăn bánh mỳ, trứng và thịt muối. “Không thể xem nhẹ bất kì điều gì”, Bobby nói. “Trump sẽ làm việc hết sức để chấm dứt phân biệt chủng tộc và giết chóc. Đây là ngày huy hoàng cho nước Mỹ”.

Trở lại Raleigh, gia đình Sadi vẫn chưa hết thẫn thờ. Họ cảm nhận đất Mỹ như tuột khỏi tầm tay họ trong đêm 8.11 đen tối.  Cuộc bỏ phiếu bắt đầu khi họ bước vào một trung tâm sinh hoạt cộng đồng mang tên Light House.

Chị Asad quấn một chiếc khăn in cờ Mỹ trùm lên khăn Hồi giáo hijab của mình. Asad cho biết kể từ khi lớn lên ở Raleigh và lập gia đình ở đây, chị chưa bao giờ phải lo nghĩ tới việc che giấu gốc gác tôn giáo của mình. Gần đây, chị bắt đầu thấy những ánh mắt dòm ngó đầy phán xét khi vào nhà hàng, quán ăn và taxi từ chối cho Asad lên xe.

 “Hai năm qua, mọi thứ thay đổi quá nhiều”, Asad nói. “Điều đáng sợ là bạn không biết ai ghét bạn”.

Chia rẽ không thể hàn gắn trong lòng nước Mỹ sau bầu cử - 4

Anh Sadi ôm con gái 5 tuổi Saja Sadi vào lòng khi đang xem thời sự sáng 9.11.

Những nỗi sợ vô hình này bắt đầu trước khi Trump tranh cử. Tháng 2.2015, người bạn Deah Shaddy Barakat của Asad đã bị bắn chết bởi người hàng xóm. Lúc đó, Deah đang là sinh viên nha khoa trường đại học North Carolina. Người hàng xóm dã man cũng bắn luôn vợ và chị gái của Barakat. Vụ việc làm chấn động cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ. Nghi phạm đang chờ xét xử.

Khi vụ việc mới xảy ra, Sadi và Asad cảm thấy có nghĩa vụ phải hành động. Tại trường nha khoa nơi Barakat theo học, họ dành một ngày trong năm để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng. Gia đình Barakat sau đó chuyển tới một khu dân cư cho người da màu và xây dựng trung tâm sinh hoạt cộng đồng Light House.

Dù không phải là người hâm mộ của Hillary Clinton nhưng họ cảm thấy cuộc bầu cử này sẽ giúp giảm bớt phần nào sự bài trừ Hồi giáo tăng cao. “Tôi nghĩ rằng sự tốt lành sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử này”, Sadi nói vào sáng sớm ngày 8.1. “Tôi tin chắc họ sẽ không bầu cho Trump vì những giá trị của ông ấy trái với người Mỹ”.

Tối 8.1, một nhóm người tập trung ở trung tâm sinh hoạt cộng đồng Light House và xem kết quả bầu cử trên kênh CNN. Khi đến giờ nghỉ, họ xem một đoạn phim tài liệu về Barakat và gia đình anh. Đoạn phim nói về nguyên nhân của vụ bắn nhau là do mâu thuẫn giữa Barakat và hàng xóm ở bãi đỗ xe. Nguyên nhân hoàn toàn không phải do tôn giáo. Hình ảnh Barakat chơi bóng rổ và trao bàn chải đánh răng cho người vô gia cư cũng xuất hiện trên màn hình. Trump nói trong một đoạn phỏng vấn trên phim: “Người Hồi giáo ghét nước Mỹ”.

Khi đoạn phim ngắn kết thúc, chị Asad lau nước mắt bằng chiếc khăn in cờ Mỹ. Nhóm người ngồi lặng im. Từng phút trôi qua. Họ không hiểu tại sao cử tri lại thích Trump, một người ghét bỏ Hồi giáo. Một học sinh phổ thông nói rằng trong cuộc bầu cử giả lập ở trường, 60% bạn học của cậu bầu cho tỉ phú New York. Cậu không dám nói với bố mẹ vì quá sợ hãi.

Khi kết quả lần lượt xuất hiện ở từng bang, nhiều địa điểm gọi tên Trump là người chiến thắng. Lúc Ohio thuộc về tay ứng viên đảng Cộng hòa, Asad nhận được tin nhắn từ một người bạn nói rằng có người theo dõi cô từ lâu. Người này đã đi theo Asad và hét lớn “Tiến lên Trump” khi đứng cạnh Asad.

Khi bang North Carolina thuộc về tay Trump và một người bạn của Asad viết trên Facebook rằng họ sợ ra đường vào lúc này. Sadi và Asad rời đi trước khi kết quả cuối cùng công bố. Họ mệt mỏi.

Chia rẽ không thể hàn gắn trong lòng nước Mỹ sau bầu cử - 5

Nước Mỹ chính thức chia rẽ sâu sắc sau bầu cử.

“Tại sao có người muốn phá hoại nước Mỹ đến vậy?”, Asad tự hỏi. Sáng hôm sau, Sadi vẫn không tin vào mắt mình. Quanh khu anh sống, mọi người vẫn bình tĩnh và coi Trump là kẻ điên rồ.

“Tôi sợ hàng xóm của mình. Chẳng có bất kì dấu hiệu nào cho thấy họ ủng hộ Trump. Vậy nhưng tôi biết họ không ủng hộ Clinton. Đó là điều đáng sợ nhất”, Sadi nói.

Bố mẹ cố gắng giữ bình tĩnh khi Bilal ăn sáng. Sadi tự nhủ rằng Mỹ là một thánh địa của tự do và luật pháp, chắc chắn công lý sẽ chiến thắng. Anh tự tin rằng mình đang ở một quốc gia tự do tôn giáo và tôn chỉ này sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, Sadi lo sợ cho vận mệnh con trai, khi nó lớn lên và sống ở một nước Mỹ đầy bất ổn trong vài năm tới.

Bilal với lấy ba lô. Asad lấy chìa khóa xe và chuẩn bị đưa con tới trường. Sadi ôm chặt con trai và hôn lên trán nó. Người bố mỉm cười với con trai và nói: “Chúc con một ngày tốt lành”. Nước Mỹ rục rịch bước vào kỉ nguyên của Trump. Một kỉ nguyên vô định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh - WP ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN