5 điểm cốt lõi trong phán quyết vụ kiện Biển Đông

Những điểm đáng chú ý nhất trong gần 500 trang phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực LHQ ngày 12.7 về vụ Philippines kiện Trung Quốc.

5 điểm cốt lõi trong phán quyết vụ kiện Biển Đông - 1

Philippines đã thắng trong vụ kiện lịch sử trước Trung Quốc.

Tòa Trọng tài thường trực LHQ (PCA) ngày 12.7 đưa ra phán quyết gần 500 trang vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò", cách giải thích một số thực thể thuộc vùng tranh chấp trên Biển Đông và một số vấn đề khác.

Sau đây là 5 điểm chính tóm lược phán quyết của PCA công bố với báo chí:

1.Quyền lịch sử và “đường 9 đoạn”

Tòa Trọng tài thường trực LHQ (PCA) kết luận rằng tuyên bố của Trung Quốc rằng có “quyền lịch sử” với các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên phần lớn diện tích Biển Đông là vô hiệu. PCA cũng nhấn mạnh không hề có bằng chứng lịch sử nào cho thấy tàu cá Trung Quốc từng kiểm soát vùng biển và tài nguyên ở Biển Đông.

Điều này đồng nghĩa Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tuyên bố cái gọi là “quyền lịch sử” nằm trong "đường lưỡi bò".

2. Tình hình hiện tại

PCA tuyên bố rạn san hô ở Biển Đông đã bị ảnh hưởng nặng nề vì hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng trái phép. 

PCA cũng kết luận không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc 

Tòa án cũng nhận thấy có thể tuyên bố - mà không cần phân định ranh giới - một số khu vực nhất định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, vì những khu vực này không hề chồng lấn với bất cứ quyền nào của Trung Quốc.

3. Tính hợp quy của những hành động của Trung Quốc

PCA tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền tại những khu vực nhất định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, với những hoạt động: (a) can thiệp việc đánh bắt cá và thăm dò dầu khí, (b) bồi lấp đảo nhân tạo trái phép và (c) không ngăn chặn thuyền cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế.

PCA cũng tuyên bố ngư dân Philippines có quyền đánh bắt cá lâu đời ở bãi Scarborough và Trung Quốc đã vi phạm quyền lợi này bằng cách hạn chế tàu bè Philippines đi vào khu vực.

Tòa án tuyên bố lực lượng tàu hành pháp của Trung Quốc tạo ra nguy cơ xung đột nghiêm trọng khi cản trở trái phép tàu cá Philippines.

4. Gây hại môi trường biển

PCA xem xét tác động của hoạt động Trung Quốc bồi lấp và xây dựng trái phép đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam và thấy rằng Trung Quốc gây hại nghiêm trọng, không thể khắc phục cho rạn san hô trong khu vực, vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm bảo tồn hệ sinh thái biển cũng như môi trường sống của những loài động vật đang gặp nguy hại.

PCA có bằng chứng cho thấy ngư dân Trung Quốc đã săn bắt các loài rùa biển, trai tượng, san hô quý hiếm ở phạm vi rộng trên Biển Đông với những cách thức gây hại môi trường và không có dấu hiệu ngừng lại.

5. Làm trầm trọng căng thẳng Biển Đông

PCA xem xét hành động của Trung Quốc từ khi vụ kiện bắt đầu và thấy nước này thường xuyên có hành động làm leo thang căng thẳng giữa các bên.

Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế nhận thấy không có thẩm quyền xem xét sự giằng co giữa thủy quân lục chiến Philippines và các tàu hải quân cũng như tàu của lực lượng hành pháp Trung Quốc tại bãi Cỏ Mây, cho rằng tranh chấp này liên quan tới các hoạt động quân sự, và do vậy không đưa vào phạm vi cần giải quyết.

PCA thấy rằng việc Trung Quốc bồi lấp trái phép đảo nhân tạo quy mô lớn là không phù hợp với nghĩa vụ của một quốc gia trong quá trình giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc đã gây hại lớn cho môi trường biển, bồi lấp và xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, phá hủy các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc địa lý đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh - Inquirer ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN