4 điểm quân đội Nga khiến phương Tây "giật mình"

Nhiều nước phương Tây coi vũ khí Nga thuộc hạng hai. Thực tế, Nga thiết kế nhiều vũ khí rất sáng tạo, hơn hẳn phương Tây.

Sự kiện máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ kéo theo một loạt quyết định đáng chú ý của Putin như trừng phạt kinh tế, điều động tàu tuần dương Moskva, triển khai hệ thống phòng không S-400 tới Syria, trang bị tên lửa không đối không và điều tiêm kích hộ tống máy bay ném bom. Thực lực quân sự của Nga nguy hiểm tới mức nào?

Nhiều nước phương Tây coi vũ khí của Nga xếp hạng hai - vẫn là những đồ trang thiết bị điện tử, tiêu chuẩn sản xuất từ thập niên 70 của thế kỉ trước. Năm 2015 ngân sách của Mỹ là 561,9 tỉ USD trong khi Nga chỉ khiêm tốn với 53,2 tỉ USD.

Thực tế, Nga có thể thiết kế nhiều vũ khí thực sự rất sáng tạo và hơn hẳn phương Tây. Đôi lúc Nga theo đuổi những ý tưởng điên rồ, chẳng hạn như vũ khí điều khiển bằng…trí não. Nhiều vũ khí của Nga hiện nay khác xa hoàn toàn so với Mỹ.

Tên lửa

4 điểm quân đội Nga khiến phương Tây "giật mình" - 1

Hình ảnh tên lửa vác vai tầm nhiệt SA-7 "Strela” của Nga

Không ai có thể nghi ngờ nền khoa học tên lửa của Nga. Họ là nước cung cấp tất cả các chuyến bay có người lái lên Trạm vũ trụ quốc tế trước khi từ bỏ chương trình Tàu con thoi năm 2011. Tên lửa quân sự của Nga cũng có truyền thống rất lâu đời.

Năm 1973, tên lửa chống tăng mới do Xô Viết thiết kế, chế tạo đã được bộ binh Ai Cập sử dụng và tiêu diệt rất nhiều xe tăng Israel trên chiến trường. Tương tự, tên lửa  SA-7 "Strela” vác vai tầm nhiệt đất-đối-không của Nga đã thực sự khiến không quân Do Thái chao đảo trong cuộc xung đột năm 1973. Mặc dù tên lửa SA-7 "Strela” không hạ được nhiều máy bay nhưng buộc Israel phải thay đổi chiến lược.

Vũ khí này buộc các máy bay không thể tự do bay lượn trên không tìm diệt mục tiêu được nữa. Tên lửa SA-7 cùng thế hệ với FIM-43 Redeye của Mỹ. Hai loại vũ khí này chỉ tiêu diệt máy bay sắp hạ cánh nên rất hạn chế tác chiến. Năm 1974, Nga đã giới thiệu Strela-3 có thể tấn công trực diện máy bay. Mãi tới năm 1982 Mỹ mới đưa ra tên lửa vác vai FIM-92 Stinger có tính năng tương tự.

Tên lửa đất-đối-không của Nga vẫn là “vô đối”, nhất là khi mối quan ngại xuất hiện khi Nga cung cấp hệ thống phòng không tối tân S-300 cho Iran. Hệ thống S-400 của Nga còn hiện đại hơn rất nhiều đã được điều tới căn cứ quân sự Latakia (Syria).

Chúng đều là những vũ khí cực kì nguy hiểm. Vượt qua được sự tụt hậu trước đây, các nhà phát triển vũ khí ở Nga đã “làm chủ công nghệ phần mềm phức tạp cần thiết cho một hệ thống tác chiến điện tử và radar hoạt động tốt”, theo nhà phân tích Carlo Kopp nhận định.

Không-đối-không

4 điểm quân đội Nga khiến phương Tây "giật mình" - 2

Tên lửa không-đối-không Vympel R-73 gắn trên máy bay Nga

Trong các cuộc không chiến, Nga thường bắn một loạt đạn thay vì từng phát một. Các máy bay như Su-27 Flanker có thể mang hàng chục tên lửa, bắn hai ba quả một lúc. Tên lửa thường có các dòng dẫn đường khác nhau – kết hợp của hồng ngoại và radar– giúp gây nhiễu và khiến kẻ địch khó khăn hơn khi né các tên lửa này. Khả năng sát thương cũng đồng thời tăng lên. Một tên lửa dẫn đường bằng radar có thể bắn cùng lúc với các tên lửa khác bất chấp hệ thống làm nhiễu của kẻ địch có được sử dụng hay không.

Tên lửa của máy bay Nga cũng rất phức tạp. Tên lửa không-đối-không Vympel R-73 có khả năng bắn trúng mục tiêu mà không cần đối diện với máy bay địch. Loại tên lửa này được giới thiệu năm 1982 và NATO ngay lập tức nhận ra ưu thế vượt trội của nó. Phi công Nga có thể chiến đấu ở phạm vi hẹp hơn nhờ loại tên lửa này so với  AIM-9 Sidewinder của Mỹ.

Mãi 20 năm sau khi tên lửa cải tiến AIM-9X được trang bị thì phi công Mỹ mới có khả năng như đồng nghiệp Nga từng sở hữu trước đây. Trong khi đó, tên lửa R-73 của Nga đã nâng cấp thêm rất nhiều chức năng mới.

Ở phạm vi không chiến tầm xa (từ 64km trở lên), Nga có tên lửa Vympel R-77, một vũ khí siêu hạng khác của không quân nước này. Phiên bản mới nhất có Ăng-ten chùm theo pha cho phép “phản ứng tức thì trước diễn biến bất ngờ của các mục tiêu”, theo lời các nhà thiết kế tên lửa cho hay.

4 điểm quân đội Nga khiến phương Tây "giật mình" - 3

Tên lửa K-77M được mệnh danh là “tên lửa không bao giờ trượt”.

Tên lửa K-77M được gắn biệt danh “tên lửa không bao giờ trượt” còn hiện đại hơn các tên lửa hiện nay của phương Tây sở hữu như AIM-120 AMRAAM. Trang web War is Boring nhận định “quân đội Mỹ không sở hữu thứ gì tương tự tên lửa K-77M”. Được giới thiệu năm 2013, K-77M sẽ sớm được sản xuất trong thời gian tới.

Trong bất kì xung đột nào, máy bay Mỹ thường dựa vào công nghệ tàng hình để biến mất trên màn hình radar và giúp không quân Mỹ nắm được ưu thế lớn. Nga thì tập trung phát triển công nghệ chống tàng hình. Ví dụ như radar phòng không 55Zh6ME ra mắt năm 2013 có nhiều lớp radar hoạt động ở các bước sóng khác nhau.

Việc chế tạo một máy bay tàng hình ở một bước sóng rất đơn giản nhưng tàng hình tuyệt đối thì hầu như không thể. Hiện nay vẫn chưa biết công nghệ radar chống tàng hình hoạt động như thế nào nhưng chuyên gia hàng không Bill Sweetman cho biết người Nga đã dành 25 năm để phát triển hệ thống này.

Những thứ kì dị

4 điểm quân đội Nga khiến phương Tây "giật mình" - 4

Ngư lôi Shkval của Nga di chuyển với tốc độ 370km/giờ, gấp 4 lần các loại ngư lôi phương Tây sản xuất

Người Nga nổi tiếng với khả năng suy nghĩ vượt khỏi giới hạn thông thường của mình – kể cả những thứ tốt hay xấu. Ví dụ như ngư lôi Shkval tự tạo quanh vỏ một lớp bong bóng nước để giảm ma sát khi di chuyển với tốc độ 370km/giờ dưới nước – nhanh gấp 4 lần bất kì ngư lôi nào  phương Tây chế tạo.

Những suy nghĩ kì dị còn áp dụng trong cả chiến lược mà Nga nghĩ ra. Năm 2012, ông Putin viết một bài báo cho tờ Rossiiskaya Gazeta về cân bằng quyền lực quân sự chiến lược. Trong bài viết, ông đề xuất “các hệ thống vũ khí xây dựng trên nguyên tắc mới: công nghệ chùm, địa vật lý, sóng, di truyền, tâm vật lý và các công nghệ khác. "

Năm 1987, Nga thử nghiệm công nghệ mới về sóng âm. Có những khu vực được coi là “ruộng năng lượng” (phương Tây không biết sự tồn tại của các khu vực này) với các hiệu ứng điện và lực hút Trái Đất. Các nhà nghiên cứu cam kết sẽ dùng loại hiệu ứng này để bắn hạ các tên lửa đạn đạo. Một báo cáo của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô kết luận rằng “ruộng năng lượng” là một âm mưu để tham nhũng tiền của. Con số ước tính 15 tỉ USD đã bị bòn rút sau khi dự án được triển khai.

Các nghiên cứu của Nga về “vũ khí tâm thần” nhằm kiểm soát trí não kẻ địch cũng không mang lại thành công. Vũ khí địa vật lý nhằm tạo ra động đất cũng chỉ là viễn tưởng.

Những thứ chưa biết

Chúng ta vẫn sẽ được chứng kiến những điều không tưởng. Gần đây truyền hình nhà nước Nga vô tình rò rỉ kế hoạch của Putin xây dựng một tàu ngầm không người lái có thể mang theo 10-megaton bom hạt nhân. Nó có thể hủy diệt hoàn toàn thành phố cảng, căn cứ tàu ngầm hoặc các địa điểm ven biển. Khi bom phát nổ, các đám mây phóng xạ chết người sẽ bao phủ một khu vực rộng lớn. Mục tiêu của loại vũ khí này là nhằm khoan thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh – PM ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN