Tòa nhà có lõi thang máy hình tròn ở Đà Nẵng

Trung tâm Hành chính Đà Nẵng (TTHC) là một tòa nhà đặc biệt, với nhiều nét độc đáo sẽ được hoàn thành vào ngày 31/10 tới.

Ông Nguyễn Hoàng Long - Chỉ huy phó Công trình cho biết, điểm đặc biệt của tòa nhà là lõi thang máy hình tròn, là xương sống chịu lực chính, được bố trí tổng cộng 12 thang máy trong lõi. Tại Việt Nam chưa có tòa cao ốc nào lõi hình tròn lại bố trí nhiều thang máy như thế này. Một điểm khác biệt so với nhiều cao ốc khác là diện tích sàn thay đổi từng tầng, từ nhỏ - to dần - và nhỏ lại. Ở vị trí lớn nhất, diện tích sàn 1 tầng lên tới 1.400m2. Với hệ cột hình tròn (đường kính cột lớn nhất 1,4m), diện tích thay đổi từng tầng như thế này, ở VN cũng chưa có tòa nhà nào làm như vậy.

Ông Long cũng cho biết, thiết bị sử dụng cho công trình này thuộc công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ có 2 công trình sử dụng là Keangnam (Hà Nội, 72 tầng), Bitexco Financial Tower (TPHCM, 68 tầng), như sử dụng cẩu thép tự leo trong lõi thang. Tiến độ thi công tòa nhà này thuộc dạng nhanh kỷ lục ở Việt Nam. Cụ thể mỗi sàn, diện tích từ 700 - 1.400m2, nhưng chỉ hoàn thành thi công trong 4-5 ngày, kể cả thời tiết bất lợi. Thông thường trên công trường khoảng 600 công nhân, 86 kỹ sư nhưng vào lúc cao điểm lên trên 700 công nhân và 95 kỹ sư. Để hoàn thành 34 tầng nổi, đơn vị đã sử dụng 22.000m3  bê-tông.

Tòa nhà có lõi thang máy hình tròn ở Đà Nẵng - 1

TTHC Đà Nẵng gồm 2 tầng hầm diện tích 16,2 ngàn m2; 34 tầng nổi diện tích 64,1 ngàn m2; chiều cao 168,8m; tổng vốn đầu tư được phê duyệt 1.731 tỷ đồng (chưa điều chỉnh) theo kế hoạch sẽ hoàn thành ngày 31/10/2013.

Nét độc đáo của tòa nhà còn nằm ở kết cấu mái thép khổng lồ ở tầng 5 và tầng 34. Theo tính toán tòa nhà sử dụng hơn  6.000 tấn thép thì có đến 600 tấn được dùng cho kết cấu 2 mái thép. Với mái kết cấu thép lớn, đường kính uốn lượn, độ vươn dài trên 20m thế này, ở Việt Nam cũng chưa có tòa nhà nào làm được. Điểm đặc biệt nữa toàn bộ thiết bị sử dụng trong tòa nhà phải đảm bảo yêu cầu môi trường, được sản xuất sau năm 2010, có tính năng tiết kiệm năng lượng cao. Theo tính toán, với các thiết bị hiện đại này, năng lượng tiêu thụ của tòa nhà sẽ tiết kiệm được 10-25% so với các tòa nhà thông thường. Về công năng sử dụng, đây là tòa nhà thông minh, được điều khiển bằng hệ thống phần mềm, được thiết kế sức chịu đựng cho khoảng 1.500 người làm việc hằng ngày.

Sau khi đưa vào sử dụng, toàn bộ các sở, ban, ngành của TP Đà Nẵng sẽ tập trung chuyển về tòa nhà. Những đơn vị nào tiếp xúc với người dân nhiều, hay nói cách khác có nhiều người ra vào thường xuyên sẽ được bố trí ở những tầng dưới của tòa nhà. Riêng tại tầng 1, tất cả các đơn vị đều có phòng tiếp dân, và tiếp tại đây, hướng dẫn thủ tục cho người dân chứ không lên trực tiếp các tầng. Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Đây là công trình hành chính Nhà nước tập trung đầu tiên của Việt Nam được xây dựng với quy mô hoành tráng bậc nhất. Và nơi đây sẽ là “một cửa” đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Dự kiến tháng 8/2014 đưa Nhà Quốc hội vào hoạt động

Ngày 4/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp rà soát tiến độ, chỉ đạo các biện pháp triển khai Dự án xây dựng Nhà Quốc hội. Theo báo cáo từ Ban Quản lý Dự án, đến nay, hạng mục công trình chính của Nhà Quốc hội đã thi công xong phần kết cấu và phần hạ tầng điện, nước liên quan. Công tác đặt hàng, mua sắm, gia công chế tạo và vật tư, vật liệu đáp ứng được tiến độ thi công trên công trường...  Theo đánh giá chung, dự án chính hiện đảm bảo được kế hoạch tiến độ phê duyệt, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2014 và bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 8/2014, kịp thời phục vụ kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.

Thu Thủy

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Quỳnh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN