Tẩy dioxin ở sân bay Đà Nẵng

Ngày 9-8, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Lễ khởi công dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” với sự tham dự của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng hơn 200 quan khách. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự hợp tác giữa hai nước trong việc khắc phục hậu quả chất độc dioxin để lại sau chiến tranh.

Làm nguội "điểm nóng"

Tại hội thảo khoa học về vấn đề xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng ngày 8-8, Thiếu tướng Lê Huy Vịnh - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, cho biết: Ý nghĩa quan trọng của dự án này không chỉ tạo ra 29 ha đất sạch phục vụ phát triển kinh tế, thương mại mà còn làm mất nguy cơ phơi nhiễm dioxin với mọi người. Nếu thành công, dự án còn đánh dấu mốc quan trọng trong việc phối hợp xử lý hậu quả chiến tranh giữa hai nước. Cùng với sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Phù Cát (Bình Định), sân bay Đà Nẵng là “điểm nóng” dioxin do mức độ tồn dư dioxin cao trong bùn đất nhiều thập kỷ qua.

Tẩy dioxin ở sân bay Đà Nẵng - 1

Trang thiết bị sẽ được sử dụng tẩy dioxin ở Sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Văn Thuấn

Trong thời kỳ chiến tranh, tại các sân bay này là nơi quân đội Mỹ sử dụng lưu chứa, pha chế dioxin trước khi đem đi rải khắp miền Nam. Ông Thân Thành Công- Cục Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Quốc phòng) cho biết, chính phủ Việt Nam và Hoa kỳ đã hợp tác về các vấn đề dioxin từ năm 2000. Văn phòng Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng là đối tác triển khai dự án của Chính phủ Việt Nam trong Dự án Xử lý môi trường nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) là đối tác cùng Bộ Quốc phòng triển khai Dự án.

Tẩy dioxin ở sân bay Đà Nẵng - 2

Sơ đồ khu vực tiến hành lấy đất xử lý tẩy dioxin

Vào tháng 6-2010, USAID đã hoàn thành Báo cáo Đánh giá môi trường và tiến hành các công việc thiết kế, kỹ thuật cho hoạt động xử lý môi trường. Phía Việt Nam cũng đã hoành thành lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường và hoàn thành việc rà phá bom mìn tại khu vực dự án. Sau khi đánh giá kỹ tất cả các phương án xử lý thay thế, trong đó có phương án chôn lấp và xử lý bằng công nghệ sinh học, hai bên đã xác định việc sử dụng công nghệ hấp giải nhiệt trong mố (IPTD) là công nghệ hiệu quả nhất, đã được minh chứng thực tế để áp dụng cho tẩy dioxin ở sân bay Đà Nẵng.

Lý giải chọn công nghệ này, ông Phạm Đình Chiến (Bộ Quốc phòng) cho biết vì nó giải quyết triệt để tồn đọng dioxin trong bùn, đất. Trong khi, các phương pháp khác như chôn lấp cô lập, phun khử hóa chất vi sinh... chỉ là giải pháp cách ly tạm thời. Việc dùng công nghệ giải hấp thụ nhiệt mặc dù tốn kinh phí lớn (Hoa Kỳ tài trợ 34 triệu USD) song rất cần thiết phải làm để tẩy độc hoàn toàn dioxin, tránh tác động xấu tới con người, vật nuôi. Cũng theo ông Chiến, từ năm 2007 – 2010, chính phủ Hoa Kỳ đã dành 9 triệu USD để giải quyết vấn đề dioxin ở VN. Tại Đà Nẵng, 2/3 kinh phí đó được dùng vào tẩy dioxin ở sân bay.

Tẩy dioxin ở sân bay Đà Nẵng - 3

Rà phá bom mìn phục vụ dự án tẩy rửa dioxin

Tẩy dioxin thế nào?

Ông Jamey Watt (USAID) cho biết, Dự án tẩy dioxin tại sân bay Đà Nẵng được chia làm hai giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Theo đó, Dự án sẽ tiến hành xử lý khoảng 73 ngàn m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng xuống dưới mức tiêu chuẩn quốc gia về ngưỡng dioxin trong đất và trầm tích. Cụ thể, đất và trầm tích ô nhiễm sẽ được đào xúc, đưa một cách an toàn vào bể chứa (rộng 70m, dài khoảng 100m, cao 8m). Tại đây, đất và trầm tích bị ô nhiễm được làm nóng tới 335 độ C thông qua 1.254 giếng truyền nhiệt, dioxin sẽ bị phân hủy thành cacbon dioxit, nước, clorua. Đất và trầm tích sau khi được xử lý sẽ được đưa ra khỏi kết cấu bể, trở thành đất sạch, an toàn, đem đi san lấp tại các hố đã đào để phục vụ mục đích công nghiệp, thương mại. Quy trình sẽ được tiếp tục với giai đoạn 2 cũng lặp lại như thế.

Vấn đề còn lại là việc vận chuyển và xử lý bùn đất ô nhiễm có gây ảnh hưởng cho cộng đồng xung quanh không? Bà Randa Chichakli đại diện nhà thầu CDM Smith cho biết, các biện pháp đảm bảo an toàn sẽ được triển khai để loại trừ bất kỳ tác động có hại nào với cộng đồng xung quanh. Cụ thể, việc kiểm soát bụi, nước mưa chảy tràn bề mặt và kiểm soát hơi nước thoát ra sẽ theo quy trình nghiêm ngặt. Bùn đất sẽ được giữ ẩm để giảm thiểu bụi, sẽ dừng triển khai khi có gió to, nước có tiếp xúc với bùn đất ô nhiễm sẽ được thu gom, xử lý trước khi ra khỏi địa điểm dự án. Đặc biệt, trong quá trình xử lý, kết cấu bể chứa sẽ được che án, hơi nước thoát ra sẽ được thu gom, công nhân làm việc tại hiện trường sẽ được giám sát và đòi hỏi phải mặc trang thiết bị bảo hộ phù hợp, mọi phương tiện làm việc ở những nơi ô nhiễm sẽ được khử nhiễm trước khi đi vào các khu vực sạch. Cũng theo bà Randa Chichakli, CDM Smith đã thực hiện xử lý hơn 1.800 dự án lớn về chất thải nguy hại tại 500 địa điểm trên nước Mỹ, vì thế có đầy đủ kinh nghiệm, công nghệ để có thể thực hiện tốt dự án tẩy dioxin ở sân bay Đà Nẵng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Hậu (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN