Tăng chi phí cho dự án xử lý dioxin ở Đà Nẵng

Ngày 24/4, các đơn vị thực hiện dự án xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin liên quan tới tiến độ của dự án.

Ông Joakim Parker- Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đơn vị thực hiện dự án cho biết chi phí của dự án sẽ lên tới 84 triệu USD thay vì 41 triệu USD như dự kiến ban đầu. Tuy tăng song USAID vẫn cam kết tài trợ hoàn thành dự án. Hiện tại các nhà thầu của USAID đã hoàn tất thi công sân phơi dùng để tập kết an toàn đất ướt, bùn trước khi đưa chúng xử lý trong mố. Khoảng 3.200m3 bùn bị nhiễm bẩn từ khu vực đất ngập phía đông nam đã được đưa vào sân phơi để giảm lượng nước trước khi đưa vào mố xử lý. Toàn bộ lượng nước rỉ ra từ sân phơi được thu gom và phân tích trước khi xả ra ngoài.

Tăng chi phí cho dự án xử lý dioxin ở Đà Nẵng - 1

Kỹ sư Việt và Mỹ cập nhật tiến độ dự án trên công trường

Ông Perter Chenevey – kỹ sư dự án cho biết, mố để đốt, sấy bùn đất nhiễm dioxin là phần trọng tâm của dự án được xây dựng bởi 28.000 khối bê-tông trên diện tích rộng hơn một sân bóng đá. Các khối bê-tông được xếp thành tường cao 7,3m, hiện đã hoàn thành hơn 50% khối lượng công trình mố. Các nhà thầu đang lắp một lớp lót bằng nhựa dày, chắc trên nền của kết cấu mố nhằm ngăn chặn nước rò rỉ ra ngoài hoặc nước bên ngoài ngấm vào trong hệ thống xử lý trong giai đoạn vận hành. Ở trong mố có khoảng 1.200 giếng truyền nhiệt, khi vận hành thì đất bùn ô nhiễm sẽ được các giếng này đốt ở nhiệt độ thấp nhất là 325 độ C để có thể phân hủy dioxin thành các chất vô hại khác... Cũng theo kỹ sư Chenevey, đất và trầm tích sau khi được đốt nóng cho dioxin phân hủy sẽ được đưa ra khỏi bể chứa (mố) và sẽ an toàn sử dụng trong công nghiệp, thương mại...

Hiện tại có khoảng hơn 80 công nhân, kỹ sư đang làm việc tại công trường xử lý dioxin sân bay Đà Nẵng, trong đó 90% công nhân Việt Nam. Ông Parker cho biết, vấn đề sức khỏe và an toàn của công nhân cũng như người dân xung quanh khu vực sân bay được USAID quan tâm hàng đầu. Trước khi triển khai dự án, toàn bộ bom mìn khu vực này đã được rà phá, ai muốn ra vào khu vực dự án phải có giấy phép đặc biệt của Bộ Quốc phòng. Để đảm bảo đất, bụi không bị phát tán ra xung quanh, các đơn vị thi công phải tuân thủ các nguyên tắc đặc biệt như theo dõi tốc độ gió để ngưng thi công, lắp hàng rào chắn bùn, làm sạch xe cộ, thiết bị và nhân công trước khi ra khỏi vùng ô nhiễm...

Tăng chi phí cho dự án xử lý dioxin ở Đà Nẵng - 2

Bể chứa (mố) sẽ tập kết đất, bùn ô nhiễm dioxin để đốt

Thiếu tướng Lê Huy Vịnh – Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân, Bộ Quốc phòng cho biết, trong điều kiện thi công khó khăn song qua hơn 7 tháng triển khai dự án vẫn đảm bảo tiến độ với khối lượng lớn công việc đã hoàn thành. Đây là dự án lớn, đánh dấu sự hợp tác quan trọng giữa hai nước trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xoa dịu nỗi đau da cam vì thế Bộ Quốc phòng tạo mọi điều kiện tốt nhất để các đơn vị thực hiện dự án có thể hoàn thành tốt kế hoạch đề ra.

Theo ông Phùng Tấn Viết- Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng, sân bay Đà Nẵng là một trong ba điểm nóng dioxin ở VN, với di chứng để lại dai dẳng kéo dài từ đời này sang đời khác. Dự án này sẽ góp phần quan trọng giải quyết ô nhiễm môi trường, giúp TP đẩy nhanh tiến trình tới TP môi trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Quỳnh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN