Đẹp nhân tạo hay xấu tự nhiên?

Cực khổ là vậy, đau đớn là vậy nhưng dường như vẫn có quá nhiều người phát cuồng với cái đẹp nhân tạo.

Đẹp nhân tạo hay xấu tự nhiên? Đương nhiên là chọn cái đẹp rồi! Dẫu có bị người ta nói ra nói vào thì đẹp vẫn là thứ đáng cố gắng, thậm chí đánh đổi.

Nhưng đánh đổi ở mức nào mới được? Đâu đơn giản là chịu đau một lần rồi đẹp cả đời. Nếu được như vậy chắc ai cũng sẵn sàng cắn răng để người ta cắt chỗ này, xẻ chỗ kia trên cơ thể mình.

Thời gian gần đây, trên báo chí rộ lên một loạt bài về các người đẹp dao kéo không ngần ngại công khai danh tính cùng quá trình phẫu thuật gian nan của mình. Khoan chưa bàn tới mục đích của các cô ấy, chỉ riêng quá trình chịu đựng hơn cả đau đớn để đến với cái đẹp chưa chắc bền lâu kia cũng khiến người ta toát mồ hôi hột!

Tại sao nói chưa chắc bền lâu? Là bởi mấy ai dao kéo một lần mà thỏa mãn suốt phần đời còn lại? Mấy ai vài ba năm, mà thậm chí chỉ vài ba ngày sau lại không đến viện để chỉnh thêm vài chỗ chưa ưng?

Cực khổ là vậy, đau đớn là vậy nhưng dường như vẫn có quá nhiều người phát cuồng với cái đẹp nhân tạo mà bỏ ngoài tai những hậu quả chẳng cần đợi đến già mới thấy.

Nhưng thôi, đấy là cơ thể các cô, tiền bạc của các cô, nên muốn làm gì chúng ta hoàn toàn không có quyền phán xét.

Song, nếu nghĩ chỉ cần dụng chút dao kéo mà có thể trở thành người nổi tiếng, đem quá trình không mấy sung sướng của mình ra để công bố trước thiên hạ với một mục đích khác, đó lại không còn là chuyện trong nhà các cô nữa.

Báo chí hẳn vẫn chưa nguội vụ cô gái “vịt hóa thiên nga” bằng phẫu thuật thẩm mỹ, mà theo như cô nói là muốn hoàn hảo hơn, và cũng là phục vụ cho việc kinh doanh sản phẩm làm đẹp. Nghe có vẻ rất chính đáng và vô hại, ấy nhưng khi một loạt các khách hàng “tố” cô bán hàng “fake” (nhái), làm bao nhiêu người phải tốn cả đống tiền chạy chữa, thì việc cô chủ nọ đi thẩm mỹ và không ngại tường thuật lại quá trình hoàn toàn không còn là chuyện ngây thơ vô hại nữa.

Lại có một cô gái kém sắc khác, được một trang tin ưu ái gọi là “hot girl” sau khi công khai loạt ảnh trước và sau phẫu thuật của mình. Những tưởng ấy là hành động dũng cảm, chắp thêm cánh cho những ai còn tự ti về nhan sắc, ai dè chỉ vài ngày sau, nghe nói cô đang từng bước dấn thân vào “showbiz” với những hợp đồng quảng cáo nho nhỏ.

Đẹp nhân tạo hay xấu tự nhiên? - 1

Không ít cô gái trẻ phẫu thuật thẩm mỹ còn nhằm nhiều mục đích khác ngoài đẹp (hình minh họa)

Công chúng Việt có lẽ cũng không còn xa lạ với vài “người đẹp dao kéo” của nước mình. Cũng có người trong số ấy đi lên bằng chính thực lực, tài năng của bản thân và coi việc dao kéo chỉ như chiếc bàn đạp. Nhưng cũng không ít người lại đem những lần chỉnh sửa cơ thể ra để vớt vát lại sự chú ý của khán giả, bởi bản thân vốn chẳng có gì ngoài những thuốc kích trắng, silicon hay botox.

Phải chăng với các cô gái trẻ ấy, những gì được đổi bằng tiền cũng phải thu về bằng tiền?

Thẩm mỹ vốn không xấu. Ở một số nước phát triển, việc dao kéo cũng không nghiêm trọng hơn việc ra tiệm làm tóc mỗi tháng là mấy. Song chính sự không biết điểm dừng của những người từng lên bàn mổ và chính cách cư xử của họ sau quá trình “quạ hóa công” mới khiến cho phẫu thuật thẩm mỹ trở thành điều đáng báo động.

Nhưng cho tới khi tự nhận thức được giá trị và biết cách hành xử với cơ thể mình, có lẽ vẫn còn lắm những người không ngại dấn thân vào con đường làm đẹp nhiều gai góc kia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huân Y Thảo ([Tên nguồn])
Phiếm chuyện thời trang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN