Xúi doanh nghiệp... bỏ trốn!

Theo Cục Thuế TPHCM, trong 4 tháng đầu năm nay, có hơn 8.300 doanh nghiệp (DN) ngưng, nghỉ kinh doanh, trong đó có gần 1.800 DN bỏ trốn, mất tích. Điều khiến dư luận bất ngờ là theo các DN, chẳng thà… bỏ trốn vì làm như vậy dễ hơn nhiều so với đăng ký thủ tục giải thể!

Theo quy định, DN chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày kết toán các khoản nợ, DN gửi hồ sơ giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh; nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh xóa tên DN trong sổ.

Thế nhưng, đó chỉ là lý thuyết. Thực tế, DN kê khai quyết toán thuế đến thời gian xin giải thể, thanh toán đầy đủ số thuế kê khai và cả số thuế còn nợ, sau đó gửi toàn bộ hồ sơ xin giải thể đến cơ quan thuế để xin giấy chứng nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Cơ quan thuế luôn từ chối cấp giấy với lý do chưa kiểm tra hồ sơ quyết toán thuế, không thể kết luận DN còn nợ thuế hay không. Có DN đã nhiều lần mời cơ quan thuế xuống kiểm tra trực tiếp nhưng không ai xuống, cũng không cho biết khi nào sẽ xuống…

Thậm chí, nhiều DN còn được cán bộ thuế “bỏ nhỏ” rằng cứ… mất tích cho tiện cả đôi đường, bởi vì DN bỏ trốn thì không cần quyết toán thuế, giám đốc DN chỉ bị cấm thành lập DN mới, làm giám đốc trong thời hạn vài năm (vẫn được góp vốn, tham gia hội đồng thành viên).

Đặc biệt, việc DN bỏ trốn, mất tích giúp cán bộ thuế… nhẹ gánh vì không phải nhận hồ sơ, không phải kiểm tra hồ sơ quyết toán thuế và cũng không phải chịu trách nhiệm truy thu thuế. Số tiền thuế thất thoát do DN bỏ trốn, mất tích được xếp vào dạng nợ khó đòi, không ảnh hưởng nhiều đến chỉ tiêu thu của cơ quan thuế.

Trước thực trạng số DN xin giải thể, DN bỏ trốn tăng mạnh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã yêu cầu Cục Thuế TPHCM tăng cường nhân sự hoặc thuê kiểm toán để kiểm tra hồ sơ, giải quyết sớm để DN hoàn tất thủ tục giải thể.

Thế nhưng, đây chỉ là giải pháp nhất thời và không chắc sẽ được triển khai rốt ráo. Cách tốt nhất là cần có quy định rõ hạn định mà cơ quan thuế phải tổ chức kiểm tra hồ sơ quyết toán giải thể, không thể để đơn vị thuộc quyền “ngâm giấm”, gây khó khăn cho DN như hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Nhân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN