Việt Nam nên sẵn sàng với "tương lai" của TPP

Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, Việt Nam nên chuẩn bị các khả năng có thể xảy ra cho TPP.

Việt Nam nên sẵn sàng với "tương lai" của TPP - 1

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh. Ảnh: Hưng Khánh

Ông đánh giá thế nào về cơ hội TPP được phê chuẩn tại Mỹ trong bối cảnh hai ứng viên Tổng thống đều bày tỏ quan điểm không ủng hộ hiệp định này?

Có thể nói TPP tại Mỹ đang đứng trước thách thức rất lớn là phê chuẩn được hay không. Lịch sử cho thấy tất cả các FTA với Mỹ đều như vậy, phải được thông qua ở Quốc hội Mỹ, và thường với số phiếu rất sát sao, vì nó một mặt là lợi ích quốc gia kể cả kinh tế và chiến lược, nhưng mặt khác lại đụng chạm đến đời sống hàng ngày của người dân, từ công ăn việc làm, lương bổng đến an sinh xã hội.

Tôi nghĩ rằng lúc này là rất khó, nhưng Chính quyền của Tổng thống B. Obama cũng rất quyết tâm thúc đẩy và coi đây là lợi ích chiến lược của Mỹ. Họ đang làm 3 việc: đó là thúc đẩy ủng hộ chung, đặc biệt là tạo dư luận từ người dân, từ từng bang. Thứ hai, vận động sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp mà có năng lực xuất khẩu và phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Thứ ba, họ đang vận động tích cực với các nghị sỹ Quốc hội.

Do vậy, ở đây vẫn có 2 khả năng. Thứ nhất, từ nay đến cuối năm, nếu đến tháng 11/2016 mà áp lực chính trị giảm xuống, ứng viên Tổng thống nào tiềm năng hiện rõ rệt, không có tranh giành quyết liệt giữa hai đảng nữa thì người ta vẫn còn có hy vọng cho chính quyền Obama trong thời gian này.

Khả năng thứ hai, nếu sau 2016, tức là sang Chính quyền mới thì khi đó chắc chắn bị trì hoãn thêm một thời gian nữa, bởi thông thường tân Tổng thống sẽ phải tập trung vào vấn đề đối nội trước, do họ đã cam kết từ khi tranh cử rồi mới tính tiếp đến các vấn đề khác. Vì vậy cần phải chờ đợi. Nhưng nếu TPP có kẽ hở là sau bầu cử tháng 11/2016 và trước khi kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Obama thì đó là điều tốt cho cả Mỹ và các nước tham gia.

Quan điểm từ cả phía nội bộ Mỹ và các thành viên TPP về Hiệp định này hiện ra sao, thưa ông?

Người ta đều đánh giá TPP là một thoả thuận thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, và nó thực sự sẽ tạo ra một không gian rất rộng lớn về thương mại, trong đó là 40% GDP thế giới và 30% thương mại thế giới. TPP lại nối hai khu vực phát triển rất năng động ở hai bờ Thái Bình Dương là phía Bắc Mỹ và Đông Á. Mỗi quốc gia đều thấy lợi ích của mình khi TPP được hoàn tất hồi tháng 10/2015 ở Atlanta (Mỹ) và được ký tháng 02/2016 ở New Zealand.

Ai cũng có lợi ích, Mỹ cũng có lợi ích, nhưng cái chính ở đây là lợi ích kinh tế đan xen với lợi ích chiến lược, nó kết nối được là những nền kinh tế lớn đã phát triển với những nền kinh tế phát triển chậm hơn và nhỏ hơn. Tạo ra những luật chơi mới mà có thể hỗ trợ được thương mại, lợi ích kinh tế của từng thành viên, dù nước đó là nước mạnh hay nước nhỏ.

Thêm nữa, Mỹ có lợi ích chiến lược và lợi ích kinh tế với TPP, cái này rất rõ. Với kinh tế, khi 18.000 dòng thuế được giảm sẽ tạo cho Mỹ một thị trường lớn và những mặt mạnh của Mỹ sẽ được phát huy tại đây. Về chiến lược, nó sẽ gắn kết Mỹ, khu vực Bắc Mỹ với Đông Á, tạo ra khuôn khổ hợp tác thương mại với tiêu chuẩn cao. Và có thể là một trào lưu, định hướng cho những thế hệ Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới - điều này rất quan trọng với lợi ích chiến lược của Mỹ.

Chưa hết, vì đây là thoả thuận đa phương liên quan đến nhiều nước có nhiều trình độ khác nhau, cho nên lợi ích luôn đan xen với thách thức. Đối với những nước nhỏ hơn, như Việt Nam chẳng hạn, thách thức rất lớn và trực tiếp. Nếu vượt qua được thách thức thì có thể thu hút được thuận lợi cả về kinh tế và chiến lược. Tiếp cận thị trường, một không gian thương mại kinh tế phát triển năng động và rộng lớn, mà lại giảm thuế cho nên các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường lớn kể cả Mỹ, Nhật, Úc hay Mexico sẽ có vị thế cạnh tranh so với mặt hàng của các nước khác trên cùng phân khúc. Chẳng hạn dệt may, có nhiều nước tham gia sản xuất sản phẩm dệt may như Trung Quốc, Sri Lanka, Bangladesh, nhưng với không gian TPP thì chắc chắn hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn nhiều.

Cách đối ứng, chuẩn bị cho TPP của Việt Nam, theo cách nhìn của ông, đang ở mức nào?

Khi tham gia TPP có rất nhiều thách thức, mà thách thức này có rất nhiều mục tiêu song trùng với mục tiêu đổi mới, mục tiêu tái cơ cấu và mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo của Việt Nam, chẳng hạn như minh bạch hơn, làm cho kinh tế vĩ mô ổn định hơn, hay làm cho môi trường kinh doanh và đầu tư của khu vực nhà nước, khu vực tư nhân, và khu vực đầu tư nước ngoài thành một mặt bằng mà các thành phần kinh tế có thể cạnh tranh cùng nhau thì đó cũng là chủ trương của Việt Nam. Trong TPP cũng có quy đinh đó. Do vậy dù có hay không có TPP, Việt Nam vẫn phải đổi mới theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm giúp nền kinh tế và thị trường Việt Nam có sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đầu tư mới.

Chúng tôi cho rằng, ngay cả trước khi có TPP thì người ta đã háo hức vào Việt Nam để đầu tư và tìm kiếm cơ hội làm ăn, vậy chúng tôi muốn nói ở đây là mỗi mỗi một quốc gia đều thấy không gian TPP có lợi ích về kinh tế và chiến lược, nhưng trong mỗi một lĩnh vực và vấn đề thì lợi ích đan xen với thách thức, điều đó đồi hỏi quyết định rất quan trọng ở trong nước, và đối với tất cả những nước khác thành viên TPP. Do vậy, Việt Nam nên có sự chủ động chuẩn bị từ sớm, phù hợp với chủ trương đổi mới và hội nhập, đón cơ hội vềkinh doanh, đầu tư ngay từ trước khi TPP đi vào hiệu lực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hưng Khánh (Người đưa tin)
Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN