Vét sạch cá tra nguyên liệu để xuất khẩu

Mặc dù cá trong ao vẫn còn nhưng không kịp lớn để bán, trong khi lượng cá tồn kho của niên vụ 2011 đã “vét sạch” để bù vào xuất khẩu cho năm 2012, đã đẩy các DN chế biến vào tình trạng giảm công suất 50%, thậm chí là dừng hẳn.

“Vét sạch” để xuất khẩu

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), mục tiêu xuất khẩu cá tra của năm 2012 khoảng 1,8 tỉ USD có khả năng đạt được. Bởi trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã đạt gần 1,5 tỉ USD. Tuy nhiên, sản lượng cá tra dùng để xuất khẩu nói trên chủ yếu là do tồn kho và nuôi trồng của năm 2011 chuyển qua. Còn bước sang năm 2012, sản lượng cá tra nguyên liệu không đạt yêu cầu do cá tra bị bỏ đói.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thủy sản Hùng Vương cho biết, giá thức ăn chăn nuôi cá, nhất là ngô và đậu nành đã 4 lần tăng giá khiến chi phí đầu vào tăng 15 – 20% so với trước. Bởi vậy, cá thì vẫn trong ao nhưng không lớn kịp do DN không có vốn để mua thức ăn. Đó là chưa kể lãi vay quá cao, phí vận chuyển đều đưa vào giá thành làm cho giá năm 2012 tăng hơn 5% so với năm 2011. Chính điều này đã khiến các DN chế biến bị gián đoạn kinh doanh trong những tháng cuối năm. Hiện Hùng Vương phải giảm 50% công suất nhà máy và phải chờ đến tháng 12 mới có cá nguyên liệu để vận hành lại. Riêng những DN khác phải đợi đến đầu sang năm mới có cá để sản xuất.

Vẫn theo ông Minh, điều đáng nói là, thực chất vốn ngân hàng không thiếu nhưng khi đưa cho DN lại không kiểm soát được nên DN không dùng vào mục đích đầu tư cá tra mà lại đầu tư vào bất động sản… Coi như dòng tiền ngân hàng “rót” vào thời gian qua chưa hiệu quả và tuy đã được đem ra mổ xẻ từ rất nhiều tháng nay nhưng đến thời điểm này vẫn “vấp” phải điểm này. Chưa kể, hiện cả nước chỉ có 50 DN chế biến cá tra mà có đến hơn 400 đầu mối chào bán. Trong đó có đến 350 đầu mối tham gia mua bán chưa đến 50% thị phần đã làm “loạn” thị trường vì giá cả chào bán lung tung…

Vét sạch cá tra nguyên liệu để xuất khẩu - 1
Cá tra bị bỏ đói vì DN thiếu vốn mua thức ăn chăn nuôi

Có khách thì hết cá

Trong khi đó, các thị trường chính là EU và Mỹ đã bắt đầu hoạt động mạnh trở lại trong những tháng cuối năm, nhưng cá thì đã gần cạn kiệt. Do đó, các DN cho rằng, năm 2013 tới, ngành cá tra Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc thiếu nguyên liệu trầm trọng. Nếu ngân hàng không tham gia thì năm 2013 sẽ không đạt về mặt sản lượng. Song, theo ghi nhận của các DN, được biết ngân hàng vẫn đang sợ ngành cá tra do “biến cố” về vấn đề thanh khoản và thanh toán.

Song, theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Vasep, điểm sáng của ngành cá tra trong những tháng cuối năm này là, có 6 DN cá tra đã đạt chứng nhận của Hội đồng Nuôi trồng thủy sản bền vững (ASC). Chứng nhận ASC là công nhận và tuyên dương các vùng nuôi cá hoạt động một cách bền vững. Điều này bao gồm bảo vệ nguồn nước, không lạm dụng thuốc kháng sinh, tuân thủ quy định về thức ăn cho cá và các hoạt động có trách nhiệm với xã hội.

Như vậy, ngành cá tra Việt Nam sẽ phát triển bền vững, đảm bảo thu nhập và công ăn việc làm lâu dài cho ngành thủy sản và mở ra giai đoạn phát triển mới cho ngành cá tra. Riêng đối với những DN được nhận ASC sẽ có cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao giá bán. Đồng thời, sẽ xóa sổ những DN làm ăn theo kiểu chụp giật.

Ông Dũng cho biết thêm, cho đến thời điểm này, đã có khoảng 30 công ty sản xuất cá tra lớn của Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ để có thể nhận ASC làm “giấy thông hành” khi ra vào các thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, các siêu thị lớn trên thế giới sau khi biết thông tin một số DN cá tra Việt Nam có chứng nhận ASC đã cho biết sẽ chào bán mặt hàng cá tra trở lại. Dự kiến, đến năm 2015 sẽ có khoảng 50% DN đạt chứng nhận ASC. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thúy Ngà (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN