Vải thiều mất mùa, sản lượng thấp nhất trong 10 năm

Năm 2017, vải thiều ra hoa muộn, tỷ lệ ra hoa và đậu quả giảm. Sản lượng vải thiều ước đạt 100.000 tấn, bằng 70% so với năm 2016.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, năm 2017, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng vải thiều Lục Ngạn giảm so với năm 2016, ước tổng sản lượng đạt 40.000- 50.000 tấn. Đây là mức thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây.

Ông Bùi Quang Đạo (xã Nam Dương, Lục Ngạn) cho biết, vườn vải năm nay của gia đình ông chỉ được khoảng 30% so với năm ngoái. Nhiều cây trong vườn chỉ toàn lá, không có quả.

“Năm nay thời tiết thay đổi nên rất nhiều vườn vải không có quả. Mặc dù có áp dụng kỹ thuật nhưng thời tiết vẫn là yếu tố quyết định. Như vườn của tôi được chục tấn thì nay không chắc được 2 tấn”, ông Đạo cho hay.

Vải thiều mất mùa, sản lượng thấp nhất trong 10 năm - 1

Sản lượng vải thiều đạt thấp nhất  trong 10 năm

Ông Nguyễn Văn Chính, (xã Hồng Giang, Lục Ngạn) cũng cho biết, sản lượng vải ngày càng kém đi do thời tiết. Trước đây một cây vải thu được 2 chỉ vàng nhưng nay không được. Đó cũng là lý do mà nhiều bà con đã chuyển sang cây cam, bưởi để có thu nhập cao hơn.

Ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, cuối năm 2016, đầu 2017 có những biến động lớn về khí hậu, thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài, rét đến muộn kèm theo rét đậm, rét hại làm xáo trộn sinh trưởng và phát triển của cây vải.

Năm 2017, vải thiều ra hoa muộn, tỷ lệ ra hoa và đậu quả giảm 40% so với năm 2016. Sản lượng vải thiều ước đạt 100.000 tấn, bằng 70% so với năm 2016 (hơn 142.000 tấn). Trong đó diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000 ha, sản lượng khoảng 26.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 24.000 ha, sản lượng khoảng 74.000 tấn, bằng 60% so với năm 2016.

Song theo đánh giá, sản lượng thấp nhưng chất lượng quả vải được nâng cao hơn so với các năm trước. Thời gian thu hoạch dự kiến sẽ kéo dài hơn mọi năm (từ 20/5-25/7). Hiện giá bán đang ở mức 35.000- 45.000 đồng/kg, cao hơn trên 10.000 đồng so với năm 2016.

Đối với thị trường nội địa, tỉnh Bắc Giang xác định TP Hà Nội và TP HCM là thị trường quan trọng.

Còn đối với xuất khẩu, thị trường Trung Quốc được xác định là thị trường truyền thống, với sản phẩm vải tươi. Ngoài ra, Bắc Giang đang tiếp tục mở rộng các thị trường khác như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm nay sẽ mở rộng thêm thị trường Trung Đông, Dubai, Thái Lan, Canada,... 

Năm 2017, dự kiến sản lượng vải thiều được tiêu thụ trong nước khoảng 50.000 tấn (chiếm 50%) và xuất khẩu 50.000 tấn.

Vải thiều mất mùa, sản lượng thấp nhất trong 10 năm - 2

Nguyên nhân khiến sản lượng vải thiều giảm là do yếu tố thời tiết

Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, để công tác tiêu thụ vải thiều năm 2017 được thuận lợi, phấn đấu mục tiêu “giảm sản lượng nhưng không giảm giá trị sản xuất”, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp như xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tháo gỡ khó khăn trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ…

Khoảng 70% vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai nên bước vào mùa vụ vải thiều, để tránh tình trạng ùn tắc, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đề nghị tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, tạo điều kiện giao thông cho phương tiện vận chuyển;  tạo điều kiện kho, bãi, ưu tiên thông quan trước với vải thiều, rút ngắn thời gian thông quan, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; bố trí cán bộ, công chức, cán bộ hải quan làm thêm giờ để xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc nhanh chóng, kịp thời.

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cam kết, sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để vải thiều có thể thông quan nhanh chóng. Đặc biệt, cho phép xe tải cỡ lớn của Việt Nam được vận chuyển thẳng quả vải qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) giúp giảm chi phí bốc hàng, cước phí vận tải.

Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, như năm 2016 có hơn 6.000 xe ô tô xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc, riêng tại cửa khẩu Tân Thanh có thời điểm lên tới 200 xe/ngày. Chính vì vậy Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phải đảm bảo giao thông thông suốt.

“Quan điểm tại các cửa khẩu là làm hết việc trong ngày chứ không làm hết giờ trong ngày, còn hàng còn đi. Thời gian mở cửa khẩu sớm và đến tận 22h đêm. Đồng thời, phân luồng, ưu tiên riêng cho vải thiều, không để hàng ùn ứ, ảnh hưởng đến chất lượng, giá cả”, ông Trưởng cho hay.      

Lãnh đạo các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai cũng khuyến cáo các doanh nghiệp thương nhân nên xuất vải qua đường chính ngạch, vận chuyển trong đêm để kịp thông quan, tránh nắng nóng ảnh hưởng chất lượng vải tươi; chủ động ký kết hợp đồng với đối tác Trung Quốc để không bị ép giá, tránh rủi ro trong quá trình giao thương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN