Trồng cao su ở miền Bắc chẳng khác nào đánh bạc

Sau gần mười năm “Bắc tiến”, cây cao su vẫn chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế cao như kỳ vọng, nhưng Tập đoàn Cao su Việt Nam khẳng định: Phải mạo hiểm mới mong có đột phá!

Trồng thử, chết thật

Do quỹ đất trồng cao su truyền thống không còn nên từ những năm 2000 việc tìm quỹ đất mới để phát triển loại cây công nghiệp này đã được các nhà khoa học và doanh nghiệp đặt ra. Và từ năm 2006, đã có 3.000 ha cây cao su được đưa vào trồng thử nghiệm trên đất Bắc. Tới năm 2011, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cây cao su Việt Nam, đồng ý cho nhân rộng cây cao su ra miền Bắc, số lượng cây cao su đã tăng lên rất nhanh với diện tích lên tới 23.058 ha, trong đó phần lớn thuộc các đơn vị của Tập đoàn Cao su Việt Nam.  

Trồng cao su ở miền Bắc chẳng khác nào đánh bạc - 1

Người dân chăm sóc cây cao su của Công ty CPCS Lai Châu (xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu)

"Trong kinh tế phải chấp nhận mạo hiểm. Khi diện tích trồng cao su truyền thống đã cạn, phải tìm đất mới để phát triển cây cao su và Tập đoàn rất tin tưởng, kỳ vọng vào hướng đi mới này”.

Ông Nguyễn Hồng Phú
Phó tổng giám đốcTập đoàn
Cao su Việt Nam

3 tỉnh miền Bắc có diện tích trồng cây cao su nhiều nhất là Lai Châu 9.700 ha, Sơn La 6.700 ha, Hà Giang 4.400 ha; còn 3 tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai có diện tích 600-700 ha; tỉnh Phú Thọ có 188 ha. Sự phát triển nhanh của cây cao su tại đây góp phần tăng diện tích cao su cả nước lên hơn 910.500 ha, vượt quá cả mức quy hoạch 800.000 ha vào năm 2015.

Quá trình “Bắc tiến” của cây cao su đã vấp phải không ít gian nan, do điều kiện khí hậu rét, gió Tây nên đã xảy ra hiện tượng không ít diện tích cây cao su chết hoặc sinh trưởng không bình thường và có thể khi thu hoạch sẽ không cho sản lượng. Ví dụ, 240 ha cây cao su trồng năm 2008 tại xã Thanh Lương, tỉnh Điện Biên, đến năm 2010-2011 nhiều cây chết hoặc cháy do gió Tây, đến nay đa số cây vẫn chưa đủ đường kính 15cm để khai thác. Ông Nguyễn Hồng Phú - Phó tổng giám đốc Tập đoàn cao su Việt Nam cho biết, đợt rét năm 2009-2010 cũng làm chết 95% diện tích cao su của Tập đoàn trồng tại 4 tỉnh: Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai; còn tại các tỉnh Tây Bắc thiệt hại khoảng 5%.

Mạo hiểm để tạo đột phá?

Theo các nhà khoa học, cây cao su tại miền Đông Nam Bộ thường 5-6 năm mới cho thu hoạch nhựa, còn tại các tỉnh miền núi phía Bắc do các yếu tố thời tiết đặc thù nên dự báo phải 7-8 năm mới được thu hoạch và cũng khó cho năng suất cao như ở miền Nam. 

Việc đưa cây cao su “Bắc tiến” đến nay vẫn được coi là quyết định khá mạo hiểm của Tập đoàn Cao su Việt Nam. Nói như GS. Nguyễn Ngọc Lung - nguyên Cục trưởng Cục Lâm nghiệp: “Việc chưa có kết luận thử nghiệm đã tiến hành trồng đại trà cây cao su ở miền núi phía Bắc là không thể chấp nhận được, bởi người dân phá mất rừng để trồng cao su mà cao su thì chưa biết hiệu quả đến đâu”. Dẫn chứng hiện tượng một số vùng lân cận của Trung Quốc  giáp biên giới Việt Nam cũng trồng cây cao su, dù phát triển tốt nhưng không có nhựa, ông Đinh Quang Tuấn - Phó trưởng ban Quản lý và Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lo ngại vùng khí hậu lạnh đặc thù không phù hợp với cây cao su. “Cần có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan tổng kết cho bằng được, để xem bao nhiêu nơi ở Tây Bắc có thể trồng được cây cao su”, ông Tuấn đề xuất.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Phú - Phó tổng giám đốc Tập đoàn cao su Việt Nam cho biết, việc trồng cây cao su ở miền Bắc không phải là không có căn cứ. Từ năm 1994 đã có một viện nghiên cứu thử nghiệm trồng 10 ha và giờ 5-6 ha đang sinh trưởng tốt, đã cho thu hoạch. Việc đầu tư 1ha cao su ở phía Tây Bắc mất khoảng hơn 200 triệu đồng, cao gần gấp đôi miền Đông Nam Bộ, nhưng ông Phú khẳng định vẫn sẽ bảo toàn vốn và có lãi hợp lý. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Lộc (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN