Trái cây rớt giá, lắm kẻ cười, nhiều người khóc!

Thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, nhiều loại trái cây được mùa đang rớt giá thảm hại: Chôm chôm 2.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 3.000 đồng/kg...

Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn phải mua các loại trái cây này với giá cao, phần chênh lệch lớn lại rơi vào túi trung gian, tiểu thương.

Người tiêu dùng vẫn bị “chém”

So với thời điểm này của tháng trước, nhiều loại trái cây đã giảm giá khá nhiều, với mức giảm từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Khảo sát thị trường của PV tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh… cho thấy, thanh long ruột trắng đang có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ 30.000 - 35.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 - 7.000 đồng/kg; chôm chôm có giá dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Trái cây rớt giá, lắm kẻ cười, nhiều người khóc! - 1

Trái cây bán dạo giá cũng cao gấp 2-3 lần giá bán của người trồng. Ảnh: M.H

Khoảng vài chục ngày trước đây, giá mỗi kg sầu riêng từ 70.000 - 80.000 đồng/kg song hiện nay chỉ còn 45.000 - 50.000 đồng/kg; Nhãn đang có giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, giảm 50% - 70% so với trước đó

Các loại trái cây khác cũng đồng loạt rớt giá như: Ổi 10.000-11.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 45.000 - 50.000 đồng/kg, mít giảm giá kỷ lục từ 30.000 đồng/kg xuống còn 15.000 - 18.000 đồng/kg, tùy loại, chuối cũng có giá cực “bèo” 7.000 - 12.000 đồng/nải...

Trong vai khách mua trái cây, chúng tôi thắc mắc với chị Lê Thị Mận, chủ cửa hàng trái cây phố Nguyễn Trãi, phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh về việc giá bán chôm chôm, thanh long ở cửa hàng chị quá đắt thì chị Mận giải thích: “Đó là giá tại vườn, còn giá trái cây ở đây phải cộng thêm công người đi mua, công vận chuyển, công sang tay ở chợ đầu mối. Về đến đây các chị chỉ lãi tí ti thôi”.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi tại chợ đầu mối Long Biên mà các thương lái buôn trái cây các tỉnh lân cận thường đến lấy thì giá trái cây nhập sỉ khá “mềm”: Chôm chôm 140.000 đồng/thùng 20kg, tức khoảng 7.000 đồng/kg; Thanh long 180.000 đồng/thùng 30kg, tương đương với mức 6.000 đồng/kg. Nhiều loại trái cây khác như nhãn, ổi, mít, xoài, na... luôn có mức giá sỉ bằng khoảng 50% giá bán trên thị trường. Như vậy chỉ từ chợ cất sỉ đến bán lẻ, giá trái cây đã được nâng lên xấp xỉ gấp đôi.

Bà Trần Thị Minh, xã Xuân Lợi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Nhà tôi có hai ông bà nên ăn trái cây nhiều hơn ăn cơm để tốt cho sức khỏe. Với giá trái cây hiện nay tôi thấy khá ổn nhưng khi đọc báo, xem mạng thấy giá tại vườn quá rẻ so với giá mình đang mua. Khâu trung gian ăn chênh lệch quá nhiều khiến người tiêu dùng phải ăn đắt. Điều này, thiệt cho cả người nông dân đổ nhiều công sức mới có trái cây bán và cả  người tiêu dùng”.

Nông dân và người mua thiệt vì đầu ra thả nổi

Thông tin từ Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho hay, được mùa trái cây đang khiến cho giá trái cây giảm mạnh. Thậm chí, theo Cục này dự đoán thì giá trái cây sẽ còn giảm nữa khi vào chính vụ của một số loại hoa quả. Hiện trái thanh long tại vườn đang có giá 4.000 đồng/kg, chôm chôm 3.000 đồng/kg, ổi 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp thì người nông dân đang lỗ nặng vì giá trái cây quá rẻ, trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao là do thị trường quá nhiều khâu trung gian. Ai đi buôn bán cũng muốn có nhiều lợi nhuận nên các khâu trung gian này cứ tùy tiện tăng giá, mỗi khâu tăng lên một nấc nên người tiêu dùng đang phải chịu thiệt.

Ông Võ Tòng Xuân cho rằng, trái cây chỉ cần được mùa và bán với giá trung bình, chẳng hạn như thanh long tại vườn là 6.000 đồng/kg; chôm chôm 7.000 đồng, ổi 4.000 đồng... thì trồng trái cây mang lại lợi nhuận hơn trồng lúa và hoa màu rất nhiều. Chẳng hạn, có thể thu được từ 300 - 500 triệu đồng/ha thanh long; măng cụt cũng cho lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/ha; chôm chôm có lợi khủng hơn từ khoảng 700 triệu đồng/ha... Trong khi đó, việc trồng, chăm bón các vườn cây thu trái không vất vả cực nhọc như trồng lúa và hoa màu.

Tuy nhiên, các chuyên gia được hỏi cũng đưa thêm một lý do nữa khiếntrái cây Việt Nam bị mất giá trên thị trường là nhiều nơi, nông dân còn sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, chạy theo phong trào, thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên mẫu mã không đẹp, dễ bị ép giá. Bên cạnh đó, việc trồng cây thiếu tính toán, thấy cây nào mang lại lợi nhuận cao thì đua nhau trồng khiến cung vượt cầu, giá giảm thê thảm.

Bên cạnh đó, nhà vườn nên tham gia vào các Hợp tác xã nông nghiệp, các hội nông dân sản xuất, liên hệ với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây… để được hướng dẫn sản xuất theo kỹ thuật cao và có cơ hội bán hàng trực tiếp cho các nhà phân phối, bảo đảm đầu ra và giá tốt. Các chuyên gia cũng cho rằng, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cũng nên ngồi lại với nhau để tính toán mức cung- cầu đưa ra kế hoạch sản xuất theo nhu cầu, tránh tình trạng mất giá cho nông dân.

Nhà phân phối nói gì?

Ở góc độ nhà phân phối, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận định: “Để người nông dân yên tâm sản xuất thì các cơ quan chức năng cần phải tính đầu ra cho họ. Bao tiêu sản phẩm, giảm lược các khâu trung gian để nông dân trông cây được giá mà người tiêu dùng lại không bị mua đắt. Bài toán này bao giờ có đáp án thì người nông dân và người tiêu dùng mới hết bị thua thiệt, thương lái mới ngừng cảnh mặc sức “thổi giá” ăn tiền “khủng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hạnh (Gia đình & xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN