Tăng giá điện thế nào để tránh gây “sốc”?

Sự kiện: Giá điện 2019

Nếu phải tăng giá điện, EVN và cơ quan chức năng cần cân nhắc tăng vừa phải và theo đúng lộ trình để tránh gây “sốc” cho người dân và doanh nghiệp.

Minh bạch chi phí cấu thành giá

Chiều 2/3, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, lẽ ra giá điện phải được điều chỉnh trước Tết khi một loạt yếu tố cấu thành nên giá đầu vào đã thay đổi, như tỷ giá tăng thêm 1%, giá than tăng 22%, giá khí tăng bốn lần trong một năm qua... Còn giá dầu dù giảm mạnh nhưng sản lượng điện chạy dầu chỉ chiếm 0,55% tổng sản lượng điện nên không tác động tích cực đến giá thành điện.

Tăng giá điện thế nào để tránh gây “sốc”? - 1

  Nếu giá điện tăng quá cao, các doanh nghiệp khó khăn càng khó khăn, khả năng cạnh tranh càng thấp - Ảnh: Khánh Linh

“Theo quy định hiện hành, EVN sẽ đề xuất phương án, nếu mức tăng từ 7% đến dưới 10% thì Bộ Công thương sẽ quyết định, sau đó báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng ba này. Nếu EVN đề xuất tăng trên 10%, Bộ Công thương sẽ giải trình, xin ý kiến Bộ Tài chính rồi trình lên Thủ tướng xem xét phê duyệt”, ông Hải nói.

"Ngành điện cũng phải kinh doanh có lãi, như vậy mới có đầu tư. Nhưng mức tăng giá phải phù hợp, chi phí cấu thành giá điện phải công khai, minh bạch, có sự giám sát của cơ quan kiểm toán độc lập”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất năm 2014 của EVN, lãnh đạo EVN cho biết, năm 2015, EVN phải đối mặt với khoản lỗ trên 16.800 tỷ đồng do chi phí đầu vào rất lớn từ năm trước chưa được đưa vào giá điện. Trong khi đó, EVN vẫn tiếp tục đề ra mục tiêu kinh doanh điện có lợi nhuận, đầu tư thuần 96.463 tỷ đồng, trả nợ lãi gốc và lãi vay khoảng 30.873 tỷ đồng. Do đó, dù EVN không “trực tiếp nói ra”, nhưng có lẽ, ai cũng hiểu việc tăng giá điện là khó tránh khỏi nhằm góp phần giúp EVN bù lỗ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với những phát biểu của cơ quan chủ quản như trên thì chắc chắn giá điện sẽ tăng. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu chi phí đầu vào tăng, việc tăng giá điện là tất yếu. Tuy nhiên, EVN cần chứng minh được chi phí đầu vào tăng tương ứng với tỷ lệ đề xuất tăng giá, chứ không phải tăng giá để bù lỗ, để bù cho các chi phí khác không cấu thành giá điện.

Ông Long phân tích, theo như thông tin thì EVN đề xuất mức tăng giá gần 9,5%, như vậy là quá cao. “Việc EVN và cơ quan chủ quản (Bộ Công thương) nói chi phí đầu vào tăng cao, cần phải có cơ quan kiểm toán độc lập vào kiểm toán, chứ không thể để bộ chủ quản kiểm soát kiểu “con xin thì mẹ cho”, như vậy là không khách quan. Còn cơ quan thẩm định là Bộ Tài chính cũng không đủ năng lực. Việc lấy giá điện các nước để so sánh là khập khiễng, bởi cơ cấu điện của Việt Nam khác hẳn các nước trong khu vực”, ông Long nói.

Tăng giá điện sẽ làm giảm sức mua

“Nếu giá điện tăng, xăng dầu tăng, đương nhiên chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ tăng. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có cách chấp nhận giảm lợi nhuận chứ không thể tăng giá vì đầu năm, đơn hàng rất ít và nhỏ lẻ, nếu tăng giá sẽ mất khách hàng”, anh Trần Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Sông Hồng cho biết.

“Năm 2014, lãi thu về của doanh nghiệp còn thấp hơn năm 2013, chỉ bằng một nửa năm 2012, nên nếu điện, xăng tăng giá, doanh nghiệp cũng chỉ có thể co kéo, tiết kiệm để giữ giá dịch vụ. Còn nếu giá phụ tùng, nguyên liệu nhập về tăng thì chúng tôi mới tăng theo”, anh Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Lộc An (chuyên phụ tùng, sửa chữa ôtô) nói.

“Tăng giá điện là vấn đề rất nhạy cảm, ảnh hưởng đến đời sống mọi người dân và toàn bộ nền kinh tế”, ông Ngô Trí Long nhìn nhận. Theo ông Long, tư duy “tăng giá điện sau Tết, tăng giá vào thời điểm lạm phát” là khá nguy hiểm. Bởi lạm phát thời gian qua liên tục giảm, kể cả dịp Tết, chứng tỏ sức mua thấp, doanh nghiệp còn khó khăn, người dân vẫn hạn chế chi tiêu.

Nếu giá điện tăng tới gần 10%, các doanh nghiệp khó khăn càng khó khăn, khả năng cạnh tranh càng thấp. Còn người dân, khi chi phí cho riêng điện tiêu dùng đã tăng 10%, cộng theo các chi phí khác gia tăng “ăn theo” giá điện, khiến họ càng phải thắt chặt chi tiêu.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, nếu giá điện tăng đến 9,5% là quá cao, và mức tăng này sẽ không có lợi cho nền kinh tế. “Nếu phải tăng giá điện, EVN và cơ quan chức năng cần cân nhắc tăng vừa phải và theo đúng lộ trình để tránh gây “sốc” cho người dân và doanh nghiệp. Có thể, chỉ nên tăng ở mức 4-5%”, ông Doanh khuyến cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Quỳnh (Giao thông vận tải)
Giá điện 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN