Sữa nhiễm khuẩn: Im lặng không phải là vàng

Sau năm năm phát hiện vụ sữa bị nhiễm melamine, thị trường sữa Việt Nam lại rúng động bởi thông tin sữa nghi bị nhiễm khuẩn. Hàng ngàn hộp sữa dính “bẩn” của Abbott, Dumex được thu hồi, làm xói mòn lòng tin từ phía người tiêu dùng vốn lâu nay vẫn trung thành, xem chất lượng sữa ngoại là trên hết.

Nếu như vụ melamine trước đây, người dùng biết được nguồn lây nhiễm chủ yếu đến từ Trung Quốc, nơi mà ngành công nghiệp sữa vẫn bị coi là thấp cấp, chưa phát triển, thì bây giờ, người gây ra sự việc lại chính là một tập đoàn sản xuất và cung ứng sữa hàng đầu thế giới là Fonterra (New Zealand). Còn nhớ năm năm trước, các doanh nghiệp trong ngành sữa nội địa cố gắng chứng minh mình “vô tội” với melamine bằng những khẳng định dứt khoát không nhập nguyên liệu từ Trung Quốc mà chỉ nhập của các tập đoàn sữa hàng đầu thế giới, trong đó có Fonterra (New Zealand).

Sữa nhiễm khuẩn: Im lặng không phải là vàng - 1

Hầu hết hệ thống siêu thị, đại lý, cửa hàng, ngoài thông báo thu hồi sản phẩm sữa nghi nhiễm khuẩn của Abbott

Nay thì chính Fonterra cũng không thể kiểm soát hết rủi ro. Ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị ngay trong ngày chủ nhật (4.8), một ngày sau khi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chính thức công bố sản phẩm của Fonterra nghi nhiễm độc, hầu hết hệ thống siêu thị, đại lý, cửa hàng, ngoài thông báo thu hồi sản phẩm sữa nghi nhiễm khuẩn của Abbott, sau đó có thêm Dumex, người dùng cũng đọc được thông tin của các hãng sữa nội như Vinamilk, FrieslandCampina Việt Nam, Hancofood, Nutifood.

Một khi người tiêu dùng đã tin tưởng, lựa chọn bất kỳ một sản phẩm sữa nào thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khoẻ con em của họ. Vì vậy, giấu thông tin và im lặng trước các sự cố về chất lượng, không phải là giải pháp khôn ngoan dành cho doanh nghiệp ngành sữa. Các thương hiệu sữa nước ngoài, hẳn đã có sẵn bài bản dự phòng khủng hoảng đem ra áp dụng. Nhưng các hãng sữa nội dường như đã rút ra được nhiều bài học về cách đối phó với khủng hoảng, và họ cũng đã biết cách tự vệ, tự minh bạch hoá tất cả thông tin liên quan đến chất lượng trước giới truyền thông, dư luận và người tiêu dùng.

Từ vụ việc vừa qua, có thể thấy bước tiến dài của các doanh nghiệp trong nước trong đối phó khủng hoảng. Điều quan trọng hơn là trong nhận thức của người tiêu dùng: rủi ro chất lượng có thể đến từ bất cứ nơi đâu, không loại trừ những tập đoàn lừng danh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Bảy (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN