Sẽ có nước không thông qua TPP?

“Cũng có rủi ro nếu có nước nào đó trong 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không thông qua thì TPP sẽ có hiệu lực hay không?”- Thứ trưởng Bộ Công Thương đặt vấn đề.

Chiều nay (9.10), Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sự tham gia của Việt Nam.

Trưởng đoàn đám phán TPP của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, thời điểm này chưa thể công bố cụ thể các điều khoản của TPP cho tới khi hiệp định này chính thức được 12 nước TPP thông qua và ký kết. Quy trình thông qua hiệp định theo đúng quy định của pháp luật từng nước sẽ mất khoảng 18 tháng đến 2 năm. Tức chậm nhất sau 2 năm, TPP sẽ chính thức có hiệu lực.

Ông Khánh cho biết, sẽ có điều khoản về TPP có hiệu lực. Theo đó, "sẽ quy định ít nhất bao nhiêu nước thông qua TPP, các nước thông qua TPP chiếm ít nhất bao nhiêu phần trăm GDP. Bởi cũng có rủi ro nếu có nước nào không thông qua TPP thì TPP sẽ có hiệu lực hay không?!"

Đánh giá về tác động của TPP tới Việt Nam, ông Khánh khẳng định, Việt Nam được dành nhiều điều khoản có lợi và linh hoạt nhất khi tham gia đàm phán TPP. "Đến giờ này, tôi khẳng định kết quả đàm phán là công bằng"- ông Khánh nói.

Sẽ có nước không thông qua TPP? - 1

 Hiệp định TPP đã chính thức hoàn tất vào ngày 5.10.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Về mặt kinh tế, theo tính toán của những chuyên gia độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Riêng xuất khẩu tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2026. Theo đó, Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP. Thứ trưởng Khánh cho rằng, ngoài dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản đều có cơ hội tăng xuất khẩu rất lớn.

Về thể chế, Thứ trưởng Khánh cũng khẳng định, TPP với các tiêu chuẩn cao về minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy nhà nước sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí... Doanh nghiệp Nhà nước không thể có hành vi phản cạnh tranh.

Trước hàng loạt câu hỏi của báo chí về tác động giảm thuế, mở cửa thị trường nhiều hàng hóa của Việt Nam, ông Khánh cho biết, TPP đưa thuế của nhiều hàng hóa về 0% về lý sẽ khiến cho giá hàng hóa rẻ hơn. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa như sức mua, chi phí nên không thể nói Việt Nam gia nhập TPP thì giá của nhiều hàng hóa sẽ rẻ đi.

Về cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam khi gia nhập TPP, ông Khánh cho biết, thuế giảm sẽ khiến cho thị trường Việt Nam tiếp cận hàng hóa của các nước TPP tốt hơn. Việt Nam giảm thuế cho các nước và ngược lại các nước cũng giảm thuế cho Việt Nam. Việt Nam và các nước TPP có cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa mang tính bổ sung hơn là cạnh tranh. Do vậy, cá nhân ông Khánh cho rằng, khi TPP chính thức có hiệu lực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng lên và không có chuyện quan hệ thương mại “trở nên tồi tệ đi” giữa các nước tham gia TPP.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN