Rượu pha trộn nguy hại bán rẻ hơn nước lã

Sự kiện: Kinh Doanh

“Khảo sát nhiều địa phương, rượu trôi nổi chỉ bán với giá 10.000- 12.000 đồng/lít, giá này rẻ hơn nước lọc. Nếu không phải pha chế thì không thể có mức giá trên”.

Tại buổi tọa đàm tìm cách triệt tiêu nạn ​ngộ độc rượu methanol với sự tham gia của đại diện nhiều bộ ngành quản lý liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, cảnh sát và các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng rượu, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho biết thời gian qua, tình trạng lạm dụng rượu và ngộ độc rượu có chứa methanol có nhiều diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân là do các nạn nhân sử dụng các loại rượu tự pha chế, không rõ nguồn gốc, có chứa methanol vượt quá ngưỡng cho phép.

Rượu pha trộn nguy hại bán rẻ hơn nước lã - 1

Hình minh họa

Ông Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, ngộ độc methanol trước đây rất ít, nhưng nay tỷ lệ tăng lên.

Từ tháng 1/2017 có 34 ca, trong đó tử vong 9 ca. Riêng Hà Nội chiếm 33/34 ca, còn lại là ở Vĩnh Phúc, Nghệ An. Ngộ độc methanol chủ yếu là các loại rượu chưa được qua kiểm soát, đến bệnh viện muộn nên biến chứng nặng hoặc tử vong.

TS. Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, khảo sát nhiều địa phương, rượu chỉ bán với giá 10.000- 12.000 đồng/lít, thực sự rẻ hơn nước lọc. Nếu không phải  pha chế thì không thể có mức giá trên.

“Một cân gạo đã 12.000 đồng, nấu lên còn than, củi lửa, công xá đủ thứ mà rượu bán giá 12.000 đồng thì 100% không phải là rượu nấu gạo. Cồn làm nhiên liệu chỉ 10.000/chai 100 độ, thì mới có thể bán giá 12 nghìn/lít”, ông Cường cho hay.

Cũng theo ông, hiện nay có tình trạng rất nguy hiểm đó là, ai cũng có thể là dược sỹ. Họ sử dụng các con vật để ngâm rượu bảo con này tốt lắm, con này bổ lắm. Trong khi đó, hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Theo TS. Nguyễn Phú Cường, để giải quyết tình trạng tùy kiện trong sản xuất, kinh doanh rượu, tránh gây ra hệ lụy khôn lường như vừa rồi thì vai trò chính quyền địa phương là quan trọng. Hộ kinh doanh rượu không có giấy phép thì phải dừng hoạt động.

Một DN kinh doanh ngành rượu nói, với lượng rượu trôi nổi, không đảm bảo chất lượng trên thị trường hiện nay gây nguy hại rất lớn cho người dùng, vì vậy đề nghị cần có quy định cấp phép cho các cơ sở kinh doanh bán lẻ mặt hàng rượu. Thủ tục cấp phép đơn giản thôi, nhưng sẽ xử lý nghiêm, tịch thu các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng kinh doanh buôn bán các đồ uống nguy hại.

Cũng tại buổi tọa đàm, một số ý kiến cho rằng cần có quy định pha màu cho cồn công nghiệp để phân biệt, ai cũng dễ dàng nhận biết đó là thứ chất lỏng không được phép uống và nếu có bị pha trộn thì dễ phát hiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN