Quản lý, thị trường sữa vẫn thả nổi

Liên tiếp trong 2 năm gần đây, người tiêu dùng luôn bị “khủng bố” bởi các thông tin sữa kém chất lượng.

Người tiêu dùng luôn hốt hoảng mỗi khi nghe tin loại sữa nào đó có vấn đề về chất lượng, rồi chao đảo khi thấy giá sữa tăng. Họ thốt lên rằng: Cơ quan quản lý đang làm gì vậy?

Xin nói rõ rằng, 4 cơ quan nhà nước được phân công quản lý mặt hàng sữa là Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chịu trách nhiệm về chất lượng sữa; Cục Quản lí giá (Bộ Tài chính) kiểm soát về giá sữa; Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) có nhiệm vụ hậu kiểm các loại sữa lưu hành trên thị trường…

Để phục vụ cho việc quản lý đã có hàng loạt những văn bản pháp quy như: Luật, nghị định, thông tư, các quy chuẩn kỹ thuật…về sản phẩm sữa đã được ban hành. Ấy vậy mà, sữa – một sản phẩm dinh dưỡng tối quan trọng cho trẻ nhỏ, cho mọi gia đình lại đang còn nhiều vấn đề bất cập.

Quản lý, thị trường sữa vẫn thả nổi - 1

Cơ quan quản lý, thị trường sữa vẫn thả nổi. Ảnh: Giang Huy

Đầu tiên phải kể đến chất lượng sữa. Liên tiếp trong 2 năm gần đây, người tiêu dùng luôn bị “khủng bố” bởi các thông tin sữa kém chất lượng. Một ngày đẹp trời, bỗng dưng một tờ báo mạng nào đó của nước bạn tung ra thông tin phát hiện sữa A, sữa B…nhiễm chì, nhiễm melamin, thiếu đạm, thiếu iốt…thế là các báo nhà ta vội vã dịch và đăng tin. Người dân lại nháo nhào không biết con mình ăn sữa A, sữa B đó có bị làm sao không. Để giúp người dân giải tỏa lo lắng, phóng viên các tòa báo lại sốt sắng alô đến Cục ATTP nhưng đều nhận được câu trả lời rằng sẽ kiểm tra, sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm, sẽ tiếp tục theo dõi thông tin…Người tiêu dùng lại khắc khoải chờ đợi.

Trong khi chuyện về chất lượng sữa luôn nóng bỏng trên thế giới, nhưng thật lạ là các thông tin về sữa ở trong nước lại rất khiêm tốn. Chẳng mấy khi thấy thông báo đã phát hiện sữa này, sữa kia không đạt chất lượng. Có phải do mình chưa đủ trình độ để phát hiện hay sữa đang lưu hành trong đất nước Việt Nam chất lượng không có gì cần phàn nàn (!?)

Còn giá sữa thì sao? Đó là nỗi lo sợ thường trực của người tiêu dùng. Sữa tăng giá bất thình lình, vô tội vạ. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2013 có 2 đợt tăng giá sữa với mức tăng từ 10-20%. Lạ kỳ là trong khi giá nguyên liệu sữa không tăng, giá sữa ở các nước vẫn bình ổn, vậy mà giá sữa ở VN lại tăng vù vù. Cơ quan quản lý giá sữa có hay biết? Người tiêu dùng đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào cơ quan này, vì nghĩ rằng đã có người ghìm cương của con ngựa bất kham. Nhưng thật tiếc, giá sữa tăng cơ quan quản lí giá sữa vẫn im lìm. Không biết sữa của hãng này tăng giá có được sự chấp thuận của cơ quan quản lý giá? Nếu không được sự cho phép tăng giá thì phải xử phạt nhưng sao chẳng thấy hãng sữa nào bị phạt cả. Người tiêu dùng lại thất vọng.

Cách đây không lâu, cơ quan quản lý thị trường Hà Nội bất ngờ thu giữ hàng chục nghìn hộp sữa dê Danlait (Pháp) vì phát hiện công ty nhập khẩu sữa này gian dối người tiêu dùng, nghi ngờ chất lượng sữa. Người tiêu dùng rất hả hê và lập tức tẩy chay loại sữa này. Ngay sau đó người dân đặt ra hàng loạt các nghi vấn với một số loại sữa nhập khẩu và thắc mắc sao trên thị trường có nhiều loại sữa trôi nổi mà cơ quan quản lý thị trường không phát hiện ra? Hay họ chỉ làm ví dụ vậy thôi?

Sữa xách tay, sữa không nguồn gốc, sữa không nhãn mác tiếng Việt, sữa nhái, sữa đóng cân…bày bán công khai tại rất nhiều cửa hàng, đại lý, thậm chí cả phố bán sữa cũng nhan nhản. Vậy sao cơ quan quản lý thị trường không bắt giữ, xử phạt. Nếu việc đó được làm quyết liệt thì có lẽ người tiêu dùng sẽ không bị mua nhầm sữa trôi nổi, những kẻ buôn lậu, làm điêu sẽ không còn đất sống. Người tiêu dùng chỉ biết thở dài, chuyện đó còn xa vời lắm!

Bàn tròn trực tuyến xoay quanh các vấn đề “hot” về sữa do báo Lao Động tổ chức với hy vọng tìm ra “bệnh” của sữa với sự tham gia của một số cơ quan chức năng. Song thật khó, vì cơ quan quản lý nào cũng có lý lẽ riêng, họ vẫn cho là đã làm tốt nhiệm vụ của mình…

Thế nhưng, họ có biết ngoài kia thị trường sữa vẫn đang trôi nổi, họ có hay người tiêu dùng đang than rằng: Phải làm gì đó đi chứ, hỡi các cơ quan quản lý (!?)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo ĐỨC ANH (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN