Nông sản vẫn cần xuất khẩu tiểu ngạch

Mặc dù có nhiều rủi ro trong giao dịch, thanh toán nhưng với những lợi thế riêng biệt của mình, nông sản xuất khẩu tiểu ngạch (hay biên mậu) vẫn “sống khỏe”.

Giá tăng nhờ tiểu ngạch

Những ngày cuối năm, không khí vui tươi, tất bật chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu rộn ràng khắp các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Chị Nguyễn Thị Tư ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, vui vẻ cho biết gia đình chị vừa xuất bán 6 tấn thanh long với giá “khủng” 30.000 đồng/kg.

“Thương lái vào tận vườn mua, lựa chọn dễ tính, nói là chở ra Bắc xuất qua Trung Quốc vì bên đó đang ăn hàng mạnh. Chắc nhờ vậy mà giá tăng cao, chứ mọi khi có 15.000 – 16.000 đồng/kg. Năm nay ăn tết lớn rồi” – chị Tư cười vui vẻ. Với mức giá này, nông dân có lời gấp đôi vì giá thành bình quân chỉ khoảng 13.000 – 15.000 đồng/kg.

Tại Long An, Tiền Giang giá thanh long cũng “vọt” lên 29.000 – 30.000 đồng/kg trong mấy ngày qua. Bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty Xuất khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết hơn 70% sản lượng trái cây xuất khẩu năm 2013 của công ty bà là xuất qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. “Không chỉ thanh long được giá mà nhiều loại trái cây khác như nhãn, sầu riêng,… năm nay giá cũng cao ngất ngưởng nhờ Trung Quốc ăn hàng mạnh. Nên ai nói gì nói, xuất khẩu tiểu ngạch vẫn là lợi thế không thể bỏ của công ty tôi” – bà Thu khẳng định.

Nông sản vẫn cần xuất khẩu tiểu ngạch - 1

Thanh long Việt Nam đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc (Ảnh minh họa)

Đây cũng chính là quan điểm mà nhiều doanh nghiệp ngành lúa gạo, chăn nuôi thừa nhận. Bởi trong năm 2013, khi mà các doanh nghiệp gặp khó về thị trường, thì sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu gạo biên mậu qua sang Trung Quốc đã cứu giá lúa trong nước.

Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2013 xuất khẩu gạo tiểu ngạch qua Trung Quốc cao gấp 4 lần năm 2012, đạt hơn 1,5 triệu tấn. Có thời điểm giá gạo xuất khẩu tiểu ngạch cao hơn xuất chính ngạch đến 50 USD/tấn. Do đó có thể nói, xuất tiểu ngạch đã có công trong việc giữ giá lúa nội địa ổn định từ cuối vụ hè thu (sau khi chương trình tạm trữ của Chính phủ kết thúc) và tăng cao dần trong vụ thu đông cho đến nay.

Tương tự, trong khi con gà “chết bờ chết bụi” vì giá giảm sâu thì con lợn lại trụ vững ở mức 40.000 – 42.000 đồng/kg giúp nông dân có lời. Tất cả cũng nhờ sự tăng trưởng mạnh trong việc xuất biên mậu qua Trung Quốc.

Là lợi thế không nên bỏ

Mặc dù có một số rủi ro trong thanh toán hay có thời điểm bị ép giá, dội hàng nhưng với lợi thế thị trường lớn, phương thức giao dịch nhanh gọn, dễ tính, xuất khẩu tiểu ngạch vẫn là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp.

Từ khi thực hiện Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) từ 2010 đến nay, thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có sự phát triển nhảy vọt với tốc độ tăng trưởng bình quân 24%/năm.

“Trong khi việc tiếp cận các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU… vẫn gặp nhiều khó khăn, do vận chuyển xa, bảo quản dài ngày cũng như yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe, thì xuất tiểu ngạch vẫn là hướng ra thích hợp trong thời điểm hiện tại. Còn việc bị quỵt tiền không thanh toán, công ty tôi mấy năm nay không còn bị sau khi biết chọn mặt gởi vàng, chỉ làm ăn với những bạn hàng uy tín” – bà Hồng Thu giải thích.

Bên cạnh đó, phía Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại về các chính sách hải quan, thuế. “Cùng một mặt hàng, nếu chúng tôi đóng container xuất khẩu chính ngạch sang các bến cảng như Thượng Hải thì phải đóng thuế đến 18%, khiến hàng hóa mất khả năng cạnh tranh. Trong khi đó nếu đi đường tiểu ngạch qua cửa khẩu Lạng Sơn thì chẳng phải đóng đồng thuế nào. Đây chính là lý do vì sao xuất khẩu tiểu ngạch tăng mạnh trong thời gian qua vì thương nhân Trung Quốc thấy có lợi hơn nên họ yêu cầu nhập tiểu ngạch” – ông Lâm Anh Tuấn- Giám đốc Công ty Thịnh Phát (Bến Tre) phân tích.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang, cũng cho rằng trong bối cảnh xuất khẩu chính ngạch còn gặp rất nhiều khó khăn, thì Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch nhằm góp phần tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa trong nước.

Tuy nhiên, nếu khuyến khích xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch, thì cũng phải đi đôi với việc tăng cường kiểm soát con đường này. Bởi có một thực tế là hiện nay, lượng gạo đi đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đã lên tới 1,5 triệu tấn nhưng lượng gạo mà Nhà nước kiểm soát được còn khá khiêm tốn, chưa tới 300.000 tấn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:Sẽ có chiến lược xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Bộ Công Thương không có chủ trương chặn việc xuất tiểu ngạch nhằm bảo vệ quyền lợi cho nông dân. Tuy nhiên, xuất khẩu tiểu ngạch còn chứa đựng nhiều vấn đề như phụ thuộc vào điều kiện hạ tầng khu vực biên giới và chính sách của nước nhập khẩu. Mặt khác nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lâu nay phụ thuộc vào thị trường tiểu ngạch do thị trường này khá dễ dãi về mặt chất lượng. Mà như thế thì sản phẩm nông nghiệp khó xây dựng thương hiệu. Để khắc phục những tình trạng này, Bộ Công Thương đang gấp rút cùng Bộ NNPTNT xây dựng đề án, chiến lược xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc để có sự định hướng cho các doanh nghiệp tham gia thị trường này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Minh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN