Nông dân cay mắt vì hồ tiêu

Nhờ cây hồ tiêu, nhiều vùng quê nghèo trên Tây Nguyên đã trở nên giàu có và xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú hồ tiêu. Nhưng cứ hễ cây tiêu nhiễm bệnh là vô phương cứu chữa khiến chủ vườn lao đao, kinh tế trở nên… tiêu điều !

Vượt quy hoạch và chết nhiều

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết: “Đầu vụ, giá hồ tiêu tăng cao là tín hiệu mừng cho bà con nông dân. Do mất cân đối cung – cầu, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu thế giới tăng nhanh nên giá hồ tiêu trong nước tăng rất cao. Đến thời điểm hiện tại, giá hồ tiêu đã cán mốc kỷ lục 164.000 đồng/kg. Hằng năm, thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê đóng góp khoảng 20.000 tấn, chiếm 20% sản lượng nguyên liệu xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam”.

Tỉnh đã đề nghị Trung ương cho thành lập Viện Hồ tiêu ở địa phương nhằm chủ động cấp giống tiêu sạch, nghiên cứu cách chữa bệnh cho tiêu nhưng chưa được trên chấp thuận.

Còn với hồ tiêu chất lượng cao, hạt lớn thì có thể bán 190.000 đồng/kg. Bình quân mỗi vụ, một trụ tiêu đi vào kinh doanh có thể thu vào 800.000 đồng/trụ . Vậy nên nhiều người cho rằng, hồ tiêu là cây trồng “siêu lợi nhuận”, khó có loại cây trồng nào sánh kịp. Thế nhưng lợi nhuận cao chừng nào, độ rủi ro của hồ tiêu cũng cao chừng đó. Đầu niên vụ 2013-2014, nhiều nông dân khấp khởi mừng, vì giá cao nhưng cũng có không ít người rơi nước mắt vì tiêu chết hàng loạt.

Nông dân cay mắt vì hồ tiêu - 1

Già Phok Y Sơn lo lắng vì tiêu chết

Theo bà Huỳnh Thị Lệ Hoa - Chuyên viên Phòng nông nghiệp (Sở NN&PTNT Gia Lai): Qua khảo sát tại 8 huyện trên địa bàn tỉnh, đã thống kê được hơn 253 ha hồ tiêu bị chết, tập trung chủ yếu ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh và Chư Prông. Nguyên nhân chủ yếu là mưa kéo dài, người dân chăm chưa đúng kỹ thuật và trồng ở vùng trũng dẫn đến tiêu chết. Đến nay, riêng ở tỉnh Gia Lai, cây tiêu đã vượt quy hoạch với trên 11.000 ha, trong khi định hướng đến năm 2020 toàn tỉnh chỉ có 6.000 ha. Chúng tôi có nhiều khuyến cáo nhưng vì lợi nhuận quá cao nên bà con vẫn lao vào trồng. Để phát triển bền vững, tỉnh đã đề nghị Trung ương cho thành lập Viện Hồ tiêu ở địa phương nhằm chủ động cấp giống tiêu sạch, nghiên cứu cách chữa bệnh cho tiêu nhưng chưa được trên chấp thuận.

Tiêu chết vì chưa có thuốc trị

Ông Lê Sỹ Quý - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chư Sê khẳng định: Nhờ hồ tiêu mà đời sống của người dân thay đổi rất nhiều, nhiều người trở nên giàu có nhưng cũng có không ít người sạt nghiệp. Nông dân sợ nhất là bệnh “chết nhanh, chết chậm” trên cây tiêu do nấm phytophthora - bệnh chưa có thuốc đặc trị, mà chủ yếu là phòng thông qua trồng, chăm sóc cây. Bệnh này nguy hiểm như ung thư ở người, khi phát hiện cây bị bệnh thì đã là lúc khó cứu chữa.

Tính ra, một ha hồ tiêu, người nông dân đầu tư trên 700 triệu đồng, nếu không sớm thu hồi lại vốn thì việc ôm nợ là khó tránh. Vườn tiêu ông Vũ Đình Tuy (ở thôn Nông Trường, xã Ia Glai, Chư Sê) nay trông xơ xác, 1.000 trụ tiêu thì đã chết hơn 300 trụ và hàng trăm cây khác có biểu hiện của bệnh chết chậm, vàng lá.

“Gia đình tôi đã phòng đủ cách từ bơm thuốc, đào rãnh thoát nước, trồng hoa vạn thọ để hút tuyến trùng nhưng vẫn không cứu được cây tiêu khỏi chết. Giờ tôi đứng ngồi không yên vì món nợ ngân hàng hơn 130 triệu đồng chưa trả”, ông Tuy nói.

Thấy người làng ăn nên làm ra, anh Rơ Lan Hiên ở làng Ngal cũng đi vay ngân hàng trồng được 500 trụ, chưa thấy thành quả từ hạt tiêu thì anh đã suy sụp vì vườn tiêu bị bệnh chết gần hết.

Già Phok Y Sơn trồng 1.000 trụ cũng sốt sắng lo âu: “Tiêu tôi chết gần 100 trụ rồi, lo lắm. Nếu tiêu không chết thì vụ này cũng thu được trên 600 triệu đồng”. Cách đó không xa, vườn tiêu 1.200 trụ của ông H.H.S. chết rạp, ông S. quá sốc đã ngã bệnh theo cây tiêu.

Những ngày này, gia đình anh Lê Hữu Bôn (thôn Thủy Phú, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) lê lết quanh các trụ tiêu chết để lượm lặt những hạt tiêu non rụng mong vớt vát phần nào. Anh than thở: “Vườn tôi 1.000 trụ tiêu thì đã chết trên 600 trụ, xót của lắm. Nhìn vườn tiêu mà rớt nước mắt”.

Trước tình hình tiêu chết, nhiều địa phương đã có những cách làm hay nhưng chưa tạo nên bước đột phá. Anh Nguyễn Long Khánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chư Pưh nói: Phòng đã phối hợp với Trường ĐH Nông lâm Huế liên tục mở các lớp đào tạo cán bộ chủ chốt từ cấp huyện đến xã để hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân. So với các năm, diện tích tiêu chết năm nay ở huyện đã giảm, chỉ có 54 ha chết. “Người dân trồng tiêu với quy mô tập trung rất cao, khi dịch bệnh xảy ra rất khó khống chế. Trong khi các kết quả phòng trị bệnh còn hạn chế, rất mong các nhà khoa học tập trung tìm giải pháp trừ sâu bệnh cho cây hồ tiêu”.

Bà Lệ Hoa khẳng định: Tiêu chết, một phần cũng do nông dân mình “bóc lột” cây tiêu quá mức, bón nhiều phân vô cơ hơn hữu cơ. Trung bình ở vùng hồ tiêu Chư Sê, Chư Pứh năng suất hồ tiêu đạt 5 tấn/ha, trên cả nước là 2,4 tấn/ha trong khi năng suất tiêu bình quân trên thế giới chỉ có 8 tạ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Kiến (Tiền phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN