Nhượng quyền khai thác đường sắt cho doanh nghiệp

Bộ GTVT cho biết sẽ thực hiện nhượng quyền khai thác một số tuyến đường sắt cho các nhà đầu tư, trước mắt có thể nhượng toàn bộ quyền khai thác tuyến Hà Nội - Lào Cai.

Ngày 20.4, đã có 7 nhà đầu tư gặp gỡ Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhằm bày tỏ mong muốn được đầu tư vào lĩnh vực đường sắt.

Ở phía ngược lại, Bộ trưởng Thăng cũng đang chỉ đạo ngành đường sắt đẩy mạnh việc huy động xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực được coi là "chậm đổi mới" trong nhiều năm qua.

Ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết ngành đường sắt cần phải xã hội hóa và thực hiện nhượng quyền khai thác một số tuyến đường sắt, nâng cao chất lượng chạy tàu.

Hiện Bộ GTVT đã đồng ý chủ trương nhượng quyền khai thác trong lĩnh vực đường sắt trên nguyên tắc phải mang lại lợi ích cho người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Trước mắt có thể nghiên cứu nhượng toàn bộ quyền khai thác tuyến Hà Nội - Lào Cai cho các nhà đầu tư. Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi Luật Đường sắt để đổi mới ngành đường sắt".

Một số nhà đầu tư đã mong muốn muốn bỏ tiền vào ngành đường sắt vốn mang tiếng "trì trệ" trong nhiều năm qua. Tổng Công ty ĐSVN đã mời một số nhà đầu tư như Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Thương mại và dịch vụ khách sạn Bạch Đằng, Công ty CP giao nhận và vận chuyển Indo Tran Logistics (ITL), Công ty TNHH Express Trains ATH khảo sát, đề xuất quyền khai thác công trình và cơ chế triển khai.

Các nhà đầu tư sẽ thực hiện đầu tư các hạng mục công trình phục vụ cho vận tải hàng hoá bằng đường sắt và thu dịch vụ trên cơ sở khung giá Nhà nước chấp thuận. Các tác nghiệp đường sắt như tổ chức điều hành chạy tàu, dồn tàu, lập tàu, cắt móc trong khu ga và hệ thống kho, bãi hàng tại các ga vẫn do Tổng Công ty ĐSVN thực hiện.

Ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng ngành đường sắt cầu phải cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư để tránh tình trạng độc quyền. Ngành đường sắt cần tập trung tái cơ cấu, công bố công khai các đề án xã hội hóa để mời chào các nhà đầu tư. Đồng thời, rà soát lại các quy định hiện hành để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc nhượng quyền khai thác trong lĩnh vực đường sắt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vinh Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN