Nhập siêu quay trở lại sau 3 năm xuất siêu

Thẩm tra báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng nhập siêu trong năm 2015 đã quay trở lại và việc tăng khai thác dầu thô khi giá ở mức thấp sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Lo ngại việc tăng khai thác dầu thô

Một trong những điểm lo ngại lớn được Uỷ ban kinh tế nêu ra là tình trạng nhập siêu trong năm 2015 đã quay trở lại sau 3 năm (2012-2014) xuất siêu. Mặc dù, việc nhập siêu vẫn nằm trong chỉ tiêu Quốc hội nhưng nhiều ý kiến cho rằng khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu, giai đoạn 2011-2014 nhập siêu 56,3 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2015 nhập siêu 15,8 tỷ USD. 

Có ý kiến lo ngại nếu thiếu chính sách đủ mạnh thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước thì cơ cấu sản xuất doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng thu hẹp, khó khắc phục tình trạng nhập siêu hiện nay.

Nhập siêu quay trở lại sau 3 năm xuất siêu - 1

Một số ý kiến cũng cho rằng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp. Việc khai thác dầu thô vượt kế hoạch đề ra, mặc dù góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp sẽ ảnh hưởng hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Bên cạnh đó, khu vực nông nghiệp 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng ở mức 2,08% so với mức tăng 2,94% của cùng kỳ năm 2014, nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất nhất là nông dân.

Về tình hình ngân sách, Uỷ ban kinh tế nhấn mạnh, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến là 5% GDP không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ). 

Có ý kiến cho rằng chưa khắc phục được việc sử dụng một phần bội chi ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên và trả nợ. Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 và áp lực nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh; kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.

Kinh tế có thể khó khăn hơn năm 2015

Về dự báo tình hình, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2016,  nhiều ý kiến trong Ủy ban kinh tế đề nghị cần đánh giá thêm các mặt thuận lợi, thời cơ, thách thức mới, nhất là sau các chuyến thăm và làm việc rất thành công của các đồng chí lãnh đạo cao nhất nước ta tại một số nước có nền kinh tế lớn gần đây và sự kiện kết thúc đàm phán TPP.

“Có ý kiến cho rằng phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 dự kiến khó khăn hơn năm 2015 với tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm nhất là các nước đối tác kinh tế lớn với nước ta. 

Với thực trạng bội chi ngân sách nhà nước cao, nợ công gần sát trần giới hạn, chu kỳ trả nợ ngày càng lớn, nợ xấu không thể xử lý nhanh, lãi suất cho vay ở mức cao khó giảm theo diễn biến tăng chỉ số giá tiêu dùng trong khi thị trường vốn phát triển chậm thì dư địa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không còn nhiều, mức độ điều hành linh hoạt sẽ khó khăn”, ông Giàu nhấn mạnh.

Về bội chi ngân sách nhà nước, đa số ý kiến trong Uỷ ban kinh tế cho rằng phục hồi của nền kinh tế chưa mạnh mẽ, nếu như tiếp tục giảm đầu tư công quá lớn trong khi xã hội hóa đầu tư vào khu vực dịch vụ công chưa nhiều sẽ dẫn đến giảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội, việc duy trì mức chi khá cao là cần thiết để giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, đề nghị bội chi ngân sách nhà nước là dưới 5%. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ lộ trình giảm bội chi ngân sách nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2016-2020, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia...

Ủy ban kinh tế cũng đề nghị đa dạng hóa, phát triển đồng bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động các loại thị trường, bảo đảm vận hành thông suốt và cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. 

Thực hiện cơ chế thị trường, cần sớm tách dịch vụ công có khả năng sinh lời ra khỏi các cơ quan quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa đối với cung cấp dịch vụ công, đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Kiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN