Nhận diện "thủ phạm" khiến các TTTM lâm cảnh ế ẩm

Mua sắm online đang là xu hướng mua sắm hiện đại được ưa chuộng không chỉ trong giới trẻ mà đã lan sang tầng lớp trung niên đang là thách thức không nhỏ khiến các doanh nghiệp bán hàng trong các TTTM phải đau đầu nghĩ chiêu hút khách.

Khi TTTM không còn sức hút

Những cửa hàng kinh doanh hàng hiệu, thời trang nổi tiếng Hà Nội một thời như các shop thời trang thuộc khu vực phố cổ: Shop Japan (phố Hàng Da), Hongkong (phố Đê La Thành) hay Bảo Ngọc (phố Hàng Bông)…nay chỉ còn giữ được một lượng khách hàng “thân thiết” rất khiêm tốn. Chị Thu Hà, chủ shop Japan (phố Hàng Da) cho biết: Lượng khách giảm đi nhiều do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng không quá đề cao chuyện thời trang như nhiều năm trước khi kinh tế dồi dào.

Nhận diện "thủ phạm" khiến các TTTM lâm cảnh ế ẩm - 1

Mua sắm online đang là xu hướng mua sắm hiện đại được nhiều người ưa chuộng (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Trong khi đó chị Thùy Vân, một người có nhiều năm sống và làm việc tại nước ngoài giải thích lý do không mua hàng tại nhiều TTTM: Tôi đã vào nhiều TTTM và biết chắc là sẽ kinh doanh thất bại vì giá quá đắt so với thu nhập khá ở Việt Nam nhưng hàng hóa thì không đặc sắc. Các gian hàng thì gần như giống nhau, không nhiều sự sáng tạo trong cách bày biện hàng hóa nhưng lại rất đắt nên đi khách hàng có cảm giác “tẻ nhạt” khi đi mua sắm.

“Trong khi các TTTM ở nước ngoài như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia,… càng vào càng thích và càng muốn mua vì giá cả hợp lý, hàng hóa rất nhiều và rất phong phú, chất lượng thì rất yên tâm không bị cảm giác lừa hàng giả hay nhái, phục vụ chu đáo”. chị Thùy Vân chia sẻ.

Chị Kim Ngân, nhân viên doanh nghiệp tư nhân có sở thích săn hàng hiệu mỗi khi đi du lịch lại có lý do rất thực tế để “rời xa” việc mua sắm ở các TTTM. Chị Ngân cho biết: Một chiếc túi xách thương hiệu Bonia trong Parkson giá lên đến hơn 10 triệu đồng,với tiền đó có thể shopping on-line được 3-4 chiếc túi thương hiệu Michael Kors từ Mỹ về. Vậy thì tội gì phải chọn mua chiếc túi ở Parkson. “Đó là chưa kể chính chiếc túi Bonia đó sang Malaysia chỉ phải bỏ ra chưa đến nửa số tiền thậm chí có đợt sale thì chỉ còn khoảng 3 triệu đồng/chiếc”, chị Ngân chia sẻ kinh nghiệm.

Kinh doanh online "lên ngôi", TTTM yếu thế

Xu hướng mua sắm trực tuyến đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp bán lẻ khiến cho phương thức kinh doanh truyền thông có nguy cơ thoái trào với mô hình TTTM.

Chị Nguyễn Phương Mai, sinh năm 1989 (Ba Đình – Hà Nội) một trong những thế hệ khách hàng tuổi teen hiện nay, từng du học nhiều năm ở Anh, hiện là nhân viên một cơ quan Nhà nước tâm sự: “Không có thời gian đi mua sắm, 90% hàng hóa tiêu dùng cho gia đình và bản thân tôi toàn mua qua mạng. Từ những món hàng ở thị trường trong nước đến nước ngoài. Từ hoa quả, thực phẩm đến quần áo, thuốc men”.

Chị Mai kể, dù cho việc lựa chọn mua hàng mà “không được sờ vào món hàng” của chị liên tục bị mẹ và chị gái phản đối do lo ngại về chất lượng và an toàn nhưng, tôi cho “đây là cách mua bán hiện đại và nhiều ưu điểm”.

Theo chị Mai, ngoài việc không mất nhiều thời gian đi lựa chọn món hàng thì ưu điểm dễ thấy là độ yên tâm về chất lượng. “Mình có thể oder món hàng từ bất cứ nơi nào trên thế giới, từ chính nhà phân phối hay là công ty trung gian, bất kể đó là hàng hiệu hay mà không lo bị tác động từ người bán hàng. Bạn bè tôi đều có thói quen mua hàng như vậy”, chị Mai chia sẻ.

“Việc chờ đợi được cầm trên tay món hàng hóa mà mình đã lựa chọn cũng là cảm giá rất thú vị”, chị Mai cho biết.

Việc các mạng xã hội phát triển nhanh chóng như hiện nay cũng chính là cơ hội để ai cũng có thể tham gia vào môi trường kinh doanh chỉ bằng một tài khoản Facebook.

“Mua hàng trên Facebook khách hàng được “chính chủ doanh nghiệp” chăm sóc chu đáo, nhiệt tình chứ không lo gặp phải những người bán hàng thuê tại các TTTM tính khí thất thường”, một khách hàng thân thiết của shop bán hàng trực tuyến có tên Linh Nhi (số 10 Hàng Giấy – Hà Nội) đang thu hút một lượng khách hàng đông đảo với doanh thu được giới kinh doanh có nghề đánh giá ước bằng một siêu thị mini trước đây.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ VN nhận xét rằng: Người tiêu dùng đã thay đổi quan niệm “trung thành” khi chỉ mua sắm tại một nơi cụ thể thành việc mua sắm ở nhiều nơi nhưng trung thành với thương hiệu cụ thể. 

Đưa nhận định về sự cạnh tranh căng thẳng giữa các phương thức mua sắm thông qua phương tiện truyền thông xã hội (mạng xã hội, Internet, mobile...) và truyền thống (chợ, siêu thị, TTTM), theo bà Loan, phần ưu thế đang nghiêng về đối thủ thứ nhất.

Theo một khảo sát mới đây của công ty điều tra thị trường Nielsen công bố cuối năm 2014, Việt Nam lọt top 10 toàn cầu trong việc sử dụng điện thoại di động để mua sắm trực tuyến và xu hướng này được dự báo sẽ ngày càng tăng lên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Hân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN