Nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Trước tình trạng quỹ bình ổn giá xăng dầu bị “lạm dụng”, nhiều ý kiến đề xuất nên loại bỏ hẳn quỹ này.

Ngày 5/12 vừa qua, Bộ Tài chính đã quyết định yêu cầu các doanh nghiệp (DN) xăng dầu không tăng giá vào thời điểm này. Thế nhưng mấy ngày gần đây, giá xăng dầu thế giới lại tiếp tục tăng và DN than lỗ. Từ đây, nhiều người lại lo quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ lại tiếp tục phải xả và ngày một teo tóp.

Quỹ teo tóp vì giá xăng

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, tính đến ngày 9/12, giá xăng A92 nhập tại thị trường Singapore vẫn ở mức khá cao là 116,4 USD/thùng. Nếu tính bình quân giá 30 ngày qua, mỗi lít xăng, DN đang chịu lỗ khoảng 768 đồng/lít. Sau khi được sử dụng quỹ bình ổn là 300 đồng/lít thì mức lỗ hiện tại mặt hàng xăng là 468 đồng/lít, dầu DO là khoảng 118 đồng/lít.

Như vậy, mức lỗ DN xăng dầu ngày càng cao trong khi số tiền có trong quỹ bình ổn tại các DN hiện còn không đáng bao nhiêu. Ông Trần Minh Hà, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), cho biết hiện mức quỹ bình ổn giá xăng dầu còn ở DN này khoảng 40-50 tỉ đồng. Tuy nhiên, với mức lỗ của DN hiện nay, số tiền còn trong quỹ này sẽ không duy trì được bao lâu.

Nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu? - 1

Người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt hại khi quỹ bình ổn giá xăng dầu
ngày càng hạn hẹp. Ảnh: HTD

“Một thời điểm dài, chúng ta để người dân nộp vào quỹ được 300 đồng/lít nhưng lại sử dụng quỹ cũng 300 đồng/lít. Như vậy, mấy tháng đó “hòa”, chúng ta không trích được ít tiền nào vào quỹ. Chưa kể từ nay đến cuối năm, giá thế giới tăng cao, có thể mức sử dụng quỹ bình ổn còn phải tăng nữa” - ông Hà nói.

Còn theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tính đến hết ngày 30-11, tiền quỹ DN còn khoảng 230 tỉ đồng. “Nếu âm quỹ thì chỉ còn cách DN phải tìm một nguồn tạm thời để bù vào lại thôi” - ông Năm nói.

Cuối cùng vẫn là người tiêu dùng gánh

Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã từng được các chuyên gia kinh tế ví như một con heo đất tiết kiệm của người dân. Tức là mỗi một lít xăng, người dân “gửi” cho DN xăng dầu giữ 300 đồng/lít. Khi giá thế giới biến động mạnh, cơ quan quản lý có thể điều phối bằng cách lấy tiền từ quỹ để bù vào khoản chênh lệch giá đó. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, quỹ này lại được sử dụng quá nhiều khiến quỹ mỗi ngày một “ròm rỏi” và cuối cùng vẫn là người tiêu dùng phải gánh chịu.

“Xăng dầu phải theo cơ chế thị trường, khi giá thế giới tăng chúng ta tăng theo, giảm thì giảm theo. Quỹ bình ổn chỉ nên sử dụng khi khẩn cấp, đột biến chứ không phải khi nào cũng sử dụng” - ông Trần Minh Hà nói.

Không chỉ dừng lại là cân nhắc xem lại cách sử dụng quỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã từng đề xuất nên bỏ hẳn quỹ bình ổn giá xăng dầu. Mới đây nhất, Công ty TNHH V.P.I (đơn vị có website xangdau.net) cũng đề xuất nên bỏ hẳn quỹ bình ổn giá xăng dầu và để thị trường trong nước tiệm cận hoàn toàn với giá thế giới.

Lỗ vẫn tăng chiết khấu hoa hồng

Ngoài câu chuyện liên quan đến quỹ bình ổn giá, hiện các DN xăng dầu lại đang có cuộc chạy đua chiết khấu hoa hồng cho đại lý. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do đang vào thời điểm ký lại hợp đồng với các đại lý nên các DN đầu mối xăng dầu liên tục chạy đua tăng mức chiết khấu hoa hồng để giữ chân đại lý. Hiện mức chiết khấu cho các đại lý từ 700 đến 800 đồng/lít đối với xăng và 700 đến 900 đồng/lít đối với dầu. “Thông thường khi DN đầu mối lỗ thì mức chiết khấu hoa hồng cho đại lý rất thấp, có khi chỉ từ 150 đến 200 đồng/lít. Nhưng do đây là thời điểm ký lại hợp đồng nên các DN phải chạy đua chiết khấu thôi, chấp nhận chịu lỗ nặng hơn nữa” - một chuyên gia am hiểu ngành xăng dầu nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Phương (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN