Mực khô rớt giá 50%, ngư dân không dám ra khơi

Nhiều mặt hàng hải sản ở miền Tây, đặc biệt là mực khô đang giảm giá từ 40-50%. Vào mùa đánh bắt chính của vụ cá Nam, nhưng ngư dân cứ ra khơi là lỗ.

Hiện ngư dân ở vùng biển Tây như Cà Mau và Kiên Giang đang vào mùa đánh bắt thủy sản chính vụ, phần đông là tàu câu mực, chiếm 60-70%. Nhưng năm nay, trong khi các tàu đánh bắt trúng đậm thì giá hải sản lại rớt thê thảm, có loại giảm đến 40-50% so với cách đây mấy tháng.

Mực khô rớt giá 50%, ngư dân không dám ra khơi - 1

Mặt hàng khô mực ở đồng bằng sông Cửu Long giảm giá từ 40-50% khiến ngư dân lỗ nặng.

Tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành – Kiên Giang, nơi mỗi ngày có 200 đến 300 tàu cập cảng để tiêu thụ sản phẩm, anh Nguyễn Văn Trường, một ngư dân ở TP. Rạch Giá, buồn rầu cho biết, những năm trước thấy nghề cào đôi đánh bắt mực có lời, nên  cuối năm 2013, gia đình tôi đã đầu tư gần chục tỷ đồng để đóng 2 chiếc tàu cào đôi. Chuyến ra khơi đầu tiên cặp tàu của tôi trúng lớn, vì sau tết mặt hàng hải sản có giá. Thế nhưng, những chuyến tiếp theo giá cứ rớt dần, huề vốn rồi đến thua lỗ.

"Nghề cào đôi mực chiếm tới 50-60% sản lượng, còn lại là các loại cá. Thế nhưng mấy tháng gần đây, giá mực khô giảm rất mạnh. Trước tết mực loại lớn thương lái cân tại cảng còn được giá 360.000 đồng/kg, nay chỉ còn 270.000 – 280.000 đồng/kg. Còn mực nhỏ giờ chỉ còn quanh mức 150.000 đồng/kg. Mỗi chuyến biển mất đứt 300 - 400 triệu đồng”, anh Trường nói.

Mực khô rớt giá 50%, ngư dân không dám ra khơi - 2

Mực khô ở miền Tây rớt giá liên tục từ đầu năm đến nay. Giá rớt, hàng xuất khó, nhiều cửa hàng lớn chỉ trông vào bán lẻ trong nước.

Ngay cả những ngư dân kỳ cựu, với đội tàu lên cả chục chiếc cũng lắc đầu ngao ngán với giá cá lao dốc như hiện nay. Ông Năm Dẫn (Dương Thế Dẫn), ở TP Rạch Giá là người đã gắn bó với nghề biển mấy chục năm nay, tâm sự: “Ngày trước đi biển chỉ cần dò tìm đàn cá, đánh bắt đầy ghe trở về là thắng lớn, vì giá ổn định.

Còn bây giờ, ra biển là phải đương đầu với đủ thứ, bão biển đôi khi không sợ bằng bão giá”. Ông Dẫn tính, mỗi khi giá xăng dầu tăng, chỉ cần ở mức 200-300 đồng/lít thôi là chi phí đã đội lên cả chục triệu đồng. Vì khi đó mọi thứ đều đồng loạt tăng theo, từ nước đá, ngư lưới cụ cho tới thực phẩm. Trong khi giá cá phải mất vài tháng mới điều chỉnh kịp.

Mực khô rớt giá 50%, ngư dân không dám ra khơi - 3

Các ghe thu mua mực để vận chuyển vào đất liền tiêu thụ.

Tại Cà Mau, các mặt hàng thủy hải sản cũng đều giảm giá khoảng 20 - 30% so với đầu năm 2014, riêng giá mực khô giảm khoảng 40 - 50%. Anh Nguyễn Văn Tươi, ngư dân đánh bắt mực và bạch tuộc ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), cho biết, trung bình mấy tháng gần đây mỗi chuyến ra khơi câu mực về tàu anh lỗ gần 100 triệu. Nhưng mức lỗ này là đối với tàu có công suất nhỏ, còn các tàu có công suất lớn phải chịu lỗ hàng trăm triệu mỗi chuyến đánh bắt. 

Thị trấn Sông Đốc có trên 1.300 tàu tham gia khai thác đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, lượng tàu vào bờ ngày càng nhiều, trung bình 50 chiếc mỗi ngày, trong đó có tàu ngoài tỉnh. Sản lượng khai thác hiện chỉ đạt 100 - 120 tấn/ngày. 

Trong khi các chủ tàu ghe méo mặt vì thua lỗ thì ở các cửa hàng bán mực khô tại Cà Mau lại khá nhộn nhịp mua bán, do giá giảm, nhiều người tranh thủ mua. Chị Nguyễn Thị Hồng Tươi, ở huyện Trần Văn Thời cho hay, các loại mực khô vừa đầu năm có giá 400.000 - 500.000 đồng/kg tùy kích cỡ, nay chỉ còn khoảng 200.000 - 300.000 đồng/kg. Loại khô mực lớn nhất trước Tết Nguyên đán hơn 500.000 đồng/kg thì nay chỉ còn khoảng 300.000 đồng. Nhập giá cao, nhưng nay các cửa hàng buộc phải chịu lỗ 20-25% để bán được hàng, vì các loại này không thể trữ lâu.

Tại cảng Sông Đốc, giá cá, mực tươi cũng đang giảm khoảng 20-30 %. Nếu như đầu năm, mỗi kg cá thu từ 200.000 - 350.000 đồng/kg thì nay còn 180.000 đồng/kg; cá nục hiện chưa đến 50.000 đồng/kg (giảm khoảng 15.000 đồng/kg); cá ngừ 50.000 đồng/kg (giảm hơn 10.000 đồng/kg).

Ông Di Quốc Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời cho biết, nguyên nhân làm thủy hải sản rớt giá chủ yếu là do tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp hiện nay gặp nhiều khó khăn.

Còn ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá – Kiên Giang cho rằng, nguyên nhân làm các mặt hàng hải sản mất giá mạnh là do chúng ta đang lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là khô mực, vì thị trường này không ổn định. Không chỉ mất giá mà hiện nay ngư dân bán mực khô phải đợi một tháng sau mới nhận được tiền. Trong khi hàng tiêu thụ nội địa hoặc đi thị trường khác giá có giảm nhưng mức giảm chỉ vài phần trăm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Trinh (zing.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN