Ma trận nguyên liệu bánh Trung thu

Trong khi phong trào làm bánh Trung thu tại nhà tiếp tục phát triển, việc bánh có đảm bảo an toàn thực phẩm thì không ai dám chắc khi nguyên liệu bị thả nổi, còn việc thanh, kiểm tra chỉ như: cưỡi ngựa xem hoa.

Ma trận nguyên liệu bánh Trung thu - 1

Khách hàng hoang mang trước “ma trận” các loại bánh Trung thu. Ảnh: Hồng Vĩnh

Ngày 26/8, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy gần 1 tấn nhân bánh Trung thu, không rõ nguồn gốc, thu được tại nhà kho 84 Phú Viên, quận Long Biên, Hà Nội. Trước đó, đêm 23/8, Đội quản lý thị trường số 11 Hà Nội phối hợp cùng Cục Cảnh sát Môi trường và Công an quận Tây Hồ thu giữ 2.000 kg nhân bánh không rõ xuất xứ…

Nhan nhản nguyên liệu không nguồn gốc

Tại phố Hàng Buồm, con phố sầm uất chuyên bán rượu bánh, đồ khô, nay cũng bán thêm nguyên liệu làm bánh. Cửa hàng số 84 Hàng Buồm, toàn bộ nguyên liệu được bày công khai ngoài vỉa hè. Trên các can nhựa ghi các dòng chữ viết bằng bút dạ: Nước đường bánh nướng, nước đường bánh dẻo, nước hoa bưởi… Chủ cửa hàng cho biết, nước đường bán giá 60.000 đồng/kg, mỗi ki-lô-gam nước đường có thể làm được khoảng 30 bánh. Bày la liệt phía dưới là những túi ni lông trong suốt, buộc chun ghi nhãn viết tay, không hạn sử dụng. Ở đây có đầy đủ các loại nhân như: hạt dưa, hạt sen, đậu xanh, trứng muối…

Tại chợ Đồng Xuân, có nhiều cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh hơn. Một chủ ki-ốt cho biết: Năm nay, ngoài nhân khô, cửa hàng mới nhập thêm các loại nhân đóng gói sẵn loại 2 kg, 5 kg, như sen nhuyễn, trà xanh, khoai môn, đậu xanh, sữa dừa. Các loại nhân  đậu xanh, mè đen, trà xanh, mãng cầu… có giá khoảng 40.000 đồng/kg, đắt nhất là nhân thập cẩm, giá 180.000 đồng/kg. Ở đây cũng bày bán một loạt các loại khay, túi, hộp, nhãn… để người làm bánh có thể hoàn thiện sản phẩm. Hộp giấy đựng bánh có giá từ 10.000 đồng, tới 90.000 đồng/hộp; khay túi dao động từ 70.000 - 90.000 đồng/100 bộ. Khi được hỏi về chất lượng các loại nhân bánh, bà chủ ki ốt xuề xoà: “Mỗi năm chị bán cả trăm triệu tiền hàng, các cửa hàng lớn còn nhập, không phải lo!”.

Năm nay, mạng xã hội cũng tích cực tham gia vào công đoạn cung cấp nguyên liệu cho bánh Trung thu “handmade”. Chị Thu Hà, chủ một gian hàng trực tuyến tại phố Kim Ngưu cho biết, mỗi ngày cửa hàng bán được gần 30 kg bột các loại, còn nhân thì nhiều hơn. Chị Hà cho biết, giới trẻ thường thích nhân có vị ngọt vừa, chứ không ngọt đậm như loại chợ hay bán. “Càng ngọt thì càng dễ bảo quản, còn nhân ngọt vừa thì ít chất bảo quản hơn”, chị Hà nói. Tuy nhiên khi được hỏi về nguồn gốc các sản phẩm chế biến, chủ hàng chỉ nói rằng đây là “hàng nhập”.

Ma trận nguyên liệu bánh Trung thu - 2

Nguyên liệu làm bánh không rõ xuất xứ

Trao đổi với PV, bác sỹ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng cho biết, bánh Trung thu là một sản phẩm có đa dạng các loại thực phẩm, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo mầu, chất bảo quản, chất chống mốc)... Mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao. Trong khi chế biến nếu không đảm bảo quy trình vệ sinh: từ sơ chế nguyên liệu, nơi chế biến, dụng cụ chế biến, vệ sinh và sức khỏe của người chế biến cũng có thể làm sản phẩm mất an toàn. Bs Tiến cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm bánh trung thu, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm, nhà sản xuất, nơi bảo quản và nơi bán sản phẩm của cơ sở kinh doanh và khi sử dụng bánh.

Kiểm tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”?

Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết, thời điểm này bắt đầu vào mùa sản xuất cao điểm của các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh bánh Trung thu. Cũng như mọi năm, vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là mối quan tâm của người dân và cơ quan chức năng. “Hiện các đoàn kiểm tra các sở, ngành liên quan đang tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh. Nội dung kiểm tra chủ yếu là nguồn gốc xuất xứ của phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh Trung thu. Ngoài ra kiểm tra các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh phụ gia thực phẩm, nguyên liệu, bao bì bánh Trung thu”, ông Cường cho biết.

Theo cơ quan chức năng, vì lợi nhuận nên xảy ra tình trạng các cơ sở sản xuất vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thậm chí có cơ sở cố tình vi phạm. Do đó năm nay, các đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các làng nghề truyền thống như Xuân Đỉnh, Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm); La Phù (Hoài Đức); Liên Ninh (Thanh Trì) và các nhà hàng, khách sạn có sản xuất bánh Trung thu cũng như các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh phụ gia thực phẩm, nguyên liệu, bao bì bánh Trung thu.

Ma trận nguyên liệu bánh Trung thu - 3

Các loại nguyên liệu làm bánh Trung thu được bày bán tràn lan trên phố Hàng Buồm. Ảnh: Như Ý

Trao đổi với phóng viên, ông Tô Sơn Hồng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 24 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, các nguyên liệu đầu vào của các cơ sở sản xuất bánh Trung thu như phụ gia thực phẩm, nguyên liệu, bao bì…, nhập lậu hay không rõ nguồn gốc phải được xử lý và bắt từ khâu vận chuyển, khi đã vào thị trường, vào cơ sở sản xuất thì không biết đâu mà lần.

“Chỉ riêng địa bàn huyện Hoài Đức có trên 10 cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Chúng tôi đề nghị các cơ sở sản xuất này phải ký cam kết về nguyên liệu đầu vào của sản phẩm mình sản xuất. Nhưng thực tế họ sản xuất như thế nào là chuyện khác”, ông Hồng nói. 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, khi sản xuất hàng hóa phát triển đa dạng quyền lựa chọn thuộc về khách hàng. Tuy nhiên, riêng mặt hàng bánh Trung thu người tiêu dùng khó có thể thông thái được. “Cứ đến hẹn lại lo về chất lượng sản phẩm bánh Trung thu trên thị trường. Việc này tồn tại kéo dài nhiều năm nay chưa được giải quyết là có cái lý của nó. Chúng ta không kiểm soát ngay từ đầu vào nguyên liệu, điều kiện sản xuất, hệ thống phân phối của các cơ sở sản xuất này, giao dịch mua bán không có hóa đơn chứng từ. Trong khi các cơ quan quản lý như y tế, Công Thương…, chỉ khi đến dịp lễ mới đi kiểm tra thì không ổn. Hàng nghìn cơ sở sản xuất, còn địa điểm bán không đếm xuể mà chỉ có vài đoàn kiểm tra dịp cao điểm thì chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” thôi”, ông Phú nói.

Khi được hỏi về chất lượng các loại nhân bánh, bà chủ ki ốt xuề xoà: “Mỗi năm chị bán cả trăm triệu tiền hàng, các cửa hàng lớn còn nhập, không phải lo!”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Tú - Trần Hoàng (Tiền phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN