Làng dầu tràm “chết mòn” vì mất chữ tín

Sản phẩm dầu tràm Lộc Thủy (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) từng nổi tiếng trên thị trường bởi chất lượng tuyệt hảo. Thế nhưng, do một số hộ dân làm ăn gian dối nên dầu tràm nơi đây đã bị mất uy tín và hậu quả là làng nghề này đang “chết mòn”. 

Chế dầu dỏm bằng dung dịch lạ

Giữa tháng 4, Công an huyện Phú Lộc thu giữ hơn 1.700 chai dầu tràm dỏm tại làng nghề dầu tràm Lộc Thủy. Số hàng hóa này được phát hiện tại cơ sở dầu tràm của bà Nguyễn Thị Mỹ Hoa ở thôn Phước Hưng. Bà Hoa khai đã mua loại dung dịch lỏng không rõ nguồn gốc từ chợ Đông Ba (TP.Huế) với giá 50.000 đồng/lít rồi sang chiết ra các chai thủy tinh nhỏ và dán nhãn “dầu tràm nguyên chất” để bán từ giữa năm 2014 cho đến khi bị phát hiện.

Làng dầu tràm “chết mòn” vì mất chữ tín - 1

Dầu tràm Lộc Thủy được bày bán bên Quốc lộ 1A qua địa bàn xã này. Ảnh:  An Sơn 

Vụ việc trên chỉ là “phần nổi của tảng băng”, bởi tình trạng bán dầu tràm dỏm tại Lộc Thủy đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây. Theo tìm hiểu của PV, một số cơ sở sản xuất dầu tràm khác tại Lộc Thủy cũng đã mua dung dịch không rõ nguồn gốc từ chợ Đông Ba rồi “phù phép” thành “dầu tràm nguyên chất”. 1 lít dung dịch trên sau khi sang chiết thành nhiều chai nhỏ và dán nhãn “dầu tràm nguyên chất” để tiêu thụ, những hộ này kiếm được lợi nhuận bằng 5-10 lần tiền vốn bỏ ra.

Bà Trần Thị Quyên, người có hơn 40 năm nấu dầu tràm ở thôn Phú Cường cho biết, để tinh luyện được 1 lít dầu tràm, người làm nghề phải thu mua nguyên liệu tràm và thực hiện các thao tác kỹ thuật mất cả tuần lễ. Vì vậy, 1 chai dầu tràm thật 120ml phải bán 130.000 đồng mới đủ vốn. “Nhiều cơ sở dầu tràm tại đây bán 1 chai 120ml chỉ từ 10.000-30.000 đồng. Đó là dầu dỏm chứ dầu tràm nguyên chất không ai bán giá đó”- bà Quyên nói.

Sụt giảm 50% lượng tiêu thụ

Nghề dầu tràm Lộc Thủy có truyền thống hơn 100 năm và nhãn hiệu dầu tràm của địa phương này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận vào năm 2011. Trên địa bàn xã hiện có gần 40 hộ dân với hơn 100 lao động sản xuất, kinh doanh dầu tràm. Tuy nhiên, tình trạng làm ăn gian dối của một số hộ dân đang khiến người dân làm dầu tràm chân chính ở đây mất việc làm. Theo chị Lê Thị Hương Linh (thôn Phú Cường), trước đây, dầu tràm do cơ sở chị sản xuất bán rất chạy, tạo việc làm cho 4 lao động trong nhà. Từ khi có sự việc một số hộ dân trên địa bàn làm ăn gian dối, dầu tràm của chị bị ế vì khách hàng mất niềm tin, đồng thời 4 lao động cũng ngồi không.

Ông Trương Viết Đính- Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dầu tràm Lộc Thủy cho biết, sự thiếu trung thực trong làm ăn của một số hộ dân đã khiến sản lượng dầu tràm tiêu thụ ra thị trường của làng nghề này sụt giảm mạnh, có khi giảm tới 50%.

Cơ sở dầu tràm của gia đình tôi được nhiều đầu mối ở TP.Huế đặt mua thường xuyên, nhưng từ khi có thông tin làng nghề dầu tràm Lộc Thủy bán dầu dỏm, gia đình tôi bị mất nhiều bạn hàng”- ông Đính kể. Hiện tại, chính các hộ có truyền thống chưng cất, bán dầu tràm thật đang rất bức xúc và mong muốn có sự kiểm định về chất lượng để giữ chữ tín, giữ nghề cho bà con.

   Theo ông Trần Văn Hữu- Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, để cứu lấy thương hiệu dầu tràm của địa phương, chính quyền xã đã buộc các hộ sản xuất, kinh doanh dầu tràm ký cam kết không bán dầu dỏm. Ngoài ra, xã cũng đề nghị ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm để xử phạt và buộc ngừng hoạt động đối với những cơ sở làm ăn gian dối. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Sơn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN