Khoáng sản “đội nón” sang Trung Quốc

Doanh nghiệp Trung Quốc trực tiếp vào nội địa Việt Nam để khảo sát mỏ. Thậm chí họ đầu tư vốn, máy móc và công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác khoáng sản rồi thu mua với giá cao hơn thị trường nội địa.

Đó là thông tin đáng chú ý tại hội thảo “Tổ chức kiểm toán đối với hoạt động quản lý, khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản” do Kiểm toán Nhà nước và hội Kế toán công chứng Australia tổ chức diễn ra ngày 15.11 tại Hà Nội. 

Ồ ạt xuất lậu qua Trung Quốc

Đại tá Hoàng Văn Trực, phó cục trưởng cục Cảnh sát kinh tế cảnh báo, có quá nhiều kẽ hở cho buôn lậu, gian lận khoáng sản. Chính vì vậy, các chủ mỏ đã lợi dụng khai thác vượt công suất được cấp phép, để ngoài sổ sách sản phẩm thu được sau đó tìm cách tuồn ra ngoài cho các đầu nậu xuất lậu sang Trung Quốc. Đó là chưa kể dân địa phương tổ chức trộm cướp khoáng sản của chủ mỏ để bán cho các chủ đầu nậu diễn ra công khai tại Đông Triều, Quảng Ninh, Phù Cát, Bình Định. Các địa phương không kiểm soát được khiến tài nguyên thất thoát, ô nhiễm nặng nề.

Vẫn theo đại tá Trực, tình trạng buôn lậu than rất phức tạp trên tuyến đường thuỷ nội địa các tỉnh phía Bắc và khu vực biển Đông Bắc sang Trung Quốc. Nguồn than lậu chủ yếu là than khai thác thổ phỉ do dân khai thác trái phép sau đó vận chuyển nhỏ lẻ xuống các cảng của doanh nghiệp tư nhân; than do các đơn vị khai thác hợp pháp nhưng được các đối tượng ngoài xã hội thông đồng tuồn ra ngoài. Thậm chí, than tiêu thụ nội địa phục vụ các nhà máy ximăng, điện, đạm trong nước cũng bị rút sản lượng sau đó tập kết lại xuất lậu sang Trung Quốc.

Khoáng sản “đội nón” sang Trung Quốc - 1

Khai thác than ở Cẩm Phả.

“Các khoáng sản khác như sắt, mangan, chì, thiếc, kẽm, quặng... cũng được chủ đầu nậu dùng hồ sơ vận chuyển, mua bán nội địa để chuyển bằng ôtô và tàu hoả tập kết tại các đường mòn, khu vực biên giới sau đó tìm cách thẩm lậu sang Trung Quốc”, ông Trực cho biết.

“Kiểm toán đối với quản lý tài nguyên thiên nhiên không đơn thuần là công việc đánh giá cái được, chưa được của quá trình mà là cần đặt vào trọng tâm công cuộc phòng chống tham nhũng trong khai thác khoáng sản và quản lý đất đai”.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ
(nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường)

“Vạch mặt” ba dạng doanh nghiệp liên quan đến những vi phạm này, đó là những doanh nghiệp được bộ Tài nguyên và môi trường và tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản, nhưng không đầu tư nhà máy chế biến mà tìm cách bán quặng thô để thu lợi. Hai là doanh nghiệp mua khoáng sản từ các doanh nghiệp được cấp giấy phép để xuất lậu sang Trung Quốc, họ có quan hệ trực tiếp với các “ông chủ” người Trung Quốc. Ba là doanh nghiệp vận tải, trực tiếp thực hiện hành vi xuất lậu.

Chồng chất vi phạm

Thạc sĩ Lê Thế Chiến, phó vụ trưởng vụ Thanh tra khối kinh tế ngành thuộc Thanh tra Chính phủ nêu thực trạng hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản sai quy hoạch, không đúng với vị trí được giao, không có sự thẩm định thiết kế cơ sở. Nhiều địa phương có tới 1/2 số lượng giấy phép chưa được chấp nhận của Thủ tướng. Cho phép đầu tư nhiều dự án chế biến nhưng chưa có trong quy hoạch. Cấp phép vượt quá diện tích được cấp theo thẩm quyền phê duyệt.

Về vi phạm về quản lý và sử dụng đất, biên giới mỏ, ông Chiến cho biết có địa phương trên 60% số mỏ được cấp phép chưa hoàn thành thủ tục thuê đất, nhưng vẫn khai thác như Nghệ An có 127/205 điểm mỏ chưa làm thủ tục thuê đất. Mỏ than Đồng Rì chiếm dụng 1.343ha; mỏ vàng Bồng Miêu, Phước Sơn chiếm 302ha; các mỏ khai thác cát, đá chiếm dụng 184ha; các mỏ than, vàng do tỉnh cấp phép chiếm dụng 485ha…

Theo các chuyên gia địa chất, với tốc độ gia tăng mức khai thác được phép và trái phép như hiện nay thì khoáng sản Việt Nam sẽ khan hiếm, cạn kiệt trong vòng 40 – 60 năm nữa. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc liên tục phát triển với tốc độ cao nên nhu cầu tiêu thụ khoáng sản tăng đột biến. Doanh nghiệp Trung Quốc đã trực tiếp vào nội địa Việt Nam để khảo sát mỏ, điểm mỏ, thậm chí đầu tư vốn máy móc và công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác rồi thu mua với giá cao hơn thị trường nội địa.

“Đã đến lúc chấn chỉnh ngay hoạt động khai thác khoáng sản. Kiên quyết không để doanh nghiệp khai thác vượt công suất và bán cho tư thương xuất lậu. Về lâu dài phải kiểm soát, rà soát lại các giấy phép đã cấp và đẩy nhanh quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản”, đại tá Trực nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Tuyền (Sài Sòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN