Giá dầu sẽ xuống 20 USD/thùng?

Giá dầu thô Brent tại thị trường London - Anh hôm 7-1 giảm còn 49,92 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 5-2009. Giá bán dầu thô ngọt nhẹ trên thị trường New York - Mỹ cũng giảm còn 47,93 USD/thùng, tương đương giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008.

Giá dầu giảm mạnh do nhu cầu sụt giảm trong khi nguồn cung lại tăng. Nhiều nhà quan sát dự báo giá dầu có thể xuống dưới 40 USD/thùng do các nhà sản xuất ở Bắc Mỹ tiếp tục tăng cường khai thác dầu đá phiến, còn Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết không giảm sản lượng.

Theo trang tin Al Arabiya News, Quốc vương Ả Rập Saudi Abdullah bin Abdulaziz hôm 6-1 cam kết sẽ đối phó với những thách thức do giá dầu giảm gây ra với “ý chí kiên định”. Thái tử Salman bin Abdulaziz nhấn mạnh vương quốc này sẽ không thay đổi quan điểm đối với thị trường dầu bất chấp giá dầu thô giảm khoảng 50% trong năm 2014 và tiếp tục trượt dốc trong năm 2015.

Đáng sợ hơn, từ 2 tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Ali Al-Naimi tuyên bố OPEC sẽ không giảm sản lượng cho dù giá dầu chỉ còn 20 USD/thùng. Theo ông Naimi, giá dầu trước sau cũng sẽ lên lại, vấn đề là ai trụ được trong cuộc chiến này. Ông cho biết tổng chi phí khai thác của Ả Rập Saudi tối đa khoảng 15 USD/thùng dầu trong khi đa số doanh nghiệp dầu đá phiến Mỹ chỉ sinh lời với mức giá 80 USD/thùng.

Giá dầu sẽ xuống 20 USD/thùng? - 1

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz hy vọng Hy Lạp tiếp tục là thành viên eurozone. Ảnh: THE NATIONAL HERALD

Cùng chiều với giá dầu, giá trị đồng euro so với USD hôm 7-1 giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm qua. Đồng euro trượt giá giữa lúc dư luận lo ngại Hy Lạp có thể rút khỏi khu vực đồng euro (Eurozone) nếu Đảng Syriza cánh tả chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 25-1 tới.

Nỗi lo này càng tăng sau khi tạp chí Der Spiegel đưa tin Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble của Đức sẵn sàng để Hy Lạp ra khỏi Eurozone nếu cần thiết. Tuy nhiên, người phát ngôn của Thủ tướng Merkel, ông Georg Streiter, khẳng định Berlin vẫn muốn một Eurozone ổn định với tất cả các thành viên. Trong khi đó, theo AP, Ủy ban châu Âu nhấn mạnh không thể bãi bỏ tư cách thành viên Eurozone nhưng vẫn bỏ ngỏ khả năng Hy Lạp tái thương lượng điều khoản này sau ngày 25-1.

Cũng trong ngày 7-1, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Merkel thảo luận kế hoạch tái thương lượng tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Anh sau cuộc tổng tuyển cử tháng 5 năm nay. Hai bên cũng bàn bạc đề xuất cải tổ EU của ông Cameron. Trước đó, theo báo Manila Bulletin, Thủ tướng Cameron cho biết cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh sẽ được tổ chức càng sớm càng tốt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lục San (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN