“Giá cước taxi Việt Nam cao hơn cả Singapore”

Sự kiện: Giá xăng

Giá cước taxi tại Việt Nam thậm chí còn cao hơn quốc đảo Singapore - một trong những nơi có chi phí đắt đỏ nhất khu vực.

Để trả lời cho câu hỏi “Khi giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải có giảm được không?”, chiều 8.9, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cùng một số đơn vị liên quan đã tổ chức buổi tọa đàm “Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng” tại TP.HCM.

Xăng giảm, giá vận tải vẫn án binh bất động

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết: “Theo tính toán của các chuyên gia, phí xăng dầu biến động thì tỷ giá cước vận tải biến động theo là điều hiển nhiên. Nhưng có một nghịch lý là giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải tăng theo rất nhanh, nhưng khi giá xăng dầu giảm thì giá vận tải lại không giảm hoặc giảm rất chậm”.

“Đây là hiện tượng không bình thường và cũng không phải là vấn đề mới”, ông Hùng nhấn mạnh.

“Giá cước taxi Việt Nam cao hơn cả Singapore” - 1

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Từ 28.7.2014 đến 21.1.2015, sau 14 lần giảm giá, giá xăng RON 92 chỉ còn 15.677 đồng/lít (thời điểm ngày 21.1.2015), giảm 9.963 đồng so với trước khi điều chỉnh giá (thời điểm 28.7.2014).

Với lý do trên, ông Hùng cho rằng: “Lẽ ra giá cước vận tải cũng phải giảm tương ứng, có như vậy mới bảo đảm công bằng đối với người tiêu dùng vì họ đã từng chia sẻ với ngành vận tải khi giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên giá cước vẫn án binh bất động”.

Trong khi đó, bà Phạm Quế Anh - Giám đốc Tổ chức Tín thác và Đoàn kết vì người tiêu dùng đặt nghi vấn: “Liệu có trường hợp các đơn vị vận tải taxi bắt tay với nhau để neo giá?”.

Giá cước taxi Việt Nam cao hơn cả Singapore

Giá cước taxi ở Việt Nam hiện đang cao hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực. Cụ thể: Giá cước taxi trung bình ở Bangkok (Thái Lan) là 3.800đ/km (6 bath), Manila (Philippines) là 5.700đ/km (11,93 peso), Jakarta (Indonesia) là 6.300đ/km (4.000 rupiah) và thậm chí ở Singapore cũng chỉ 8.700đ/km (0,55 đô la Singapore), báo cáo của Hội Thẩm định giá dẫn thông tin từ Numbeo.

Như vậy, so với giá cước tại Singapore, một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, thì giá cước taxi tại Hà Nội (dao động từ 11.000 - 13.900 đồng/km) đang cao hơn từ 26,4% đến 60%, và ở TP.HCM (dao động từ 14.500 - 15.500 đồng/km) đang cao hơn 66,7% - 78,2%.

“Giá cước taxi Việt Nam cao hơn cả Singapore” - 2

5 lần giảm giá xăng dầu trong 2 tháng gần đây.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, lý do của điều này một phần là do đặc thù kinh tế, cơ chế cạnh tranh,… của từng quốc gia.

Những lý do chậm giảm giá không thuyết phục

Về lý do cho sự chậm trễ giảm giá cước, các hãng vận tải thường đưa ra nhiều nguyên nhân, như: Khi giá xăng dầu tăng, cước taxi không tăng, nên khi giá xăng dầu giảm thì cước taxi không thể giảm; việc cài lại đồng hồ phức tạp, tốn kém; cần chờ đúng quy trình, thời gian để tính toán,…

Theo ông Hùng, cách giải thích này thiếu sức thuyết phục. “Tại sao khi giá cước tăng, việc cài lại đồng hồ lại kịp thời mà không ngại phức tạp, tốn kém? Ví dụ, cuối tháng 6.2013, sau khi giá xăng tăng 2 lần với tổng mức tăng là 780 đồng/lít (tương đương 3%) thì các doanh nghiệp vận tải đã phản ứng rất nhanh trong việc điều chỉnh tăng giá cước”. Ví dụ ông Hùng đưa ra nhằm nói tới việc giá xăng tăng vào ngày 28.6, và ngay lập tức có thông tin các hãng taxi tăng giá vận tải vào ngày 1.7, tức chỉ sau 3 ngày.

Theo tính toán của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, nếu so với mức giá trước ngày 4.7.2015 thì giá xăng đã giảm 16,3%, dầu diesel giảm 17,21%. Như vậy, khi xăng dầu giảm mà các yếu tố cấu thành giá khác trong khoảng 2 tháng qua không có biến động tăng, như khấu hao, tiền lương, chi phí khác,… thì giá cước vận tải sẽ giảm được như sau:

Đối với xe chạy xăng (chi phí xăng chiếm 25 - 35%): Giá cước vận tải sẽ giảm được 4,1% - 5,7% tùy loại xe. Ví dụ: Ở Hà Nội, nếu giá cước taxi khoảng 11.000đ - 12.000đ thì sẽ giảm được khoảng 448đ - 685đ/km. Ở TP.HCM, nếu giá cước taxi khoảng 14.500đ - 15.500đ/km thì sẽ giảm được khoảng 591đ – 884đ/km.

Đối với xe chạy dầu (chi phí dầu chiếm khoảng 35 - 45%), giá cước vận tải sẽ giảm được 6% - 7,75%. Do đó, nếu giá cước vận tải hành khách hiện nay khoảng 550đ/km thì sẽ giảm được khoảng 33,17đ - 42,64đ/km. Với tuyến đường khoảng 150km và giá vé khoảng 82.500đ/vé thì sẽ giảm được 4.975đ - 6.397đ/vé.

Theo ông Hùng, mục tiêu hiện nay là cần tạo áp lực, “tẩy chay” các đơn vị vận tải đang chây ỳ giảm giá cước. Thực tế vào cuối năm 2014, khi các tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông, mạng xã hội và người tiêu dùng cùng lên tiếng mạnh mẽ, giá cước taxi đã có sự giảm giá.

Cụ thể, theo đánh giá của Cục Quản lý Giá, tháng 12.2014, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô đã kê khai giảm giá cước với cơ quan quản lý là tương đối phù hợp với mức giảm giá của xăng dầu tại thời điểm kê khai.

Còn theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban an toàn Giao thông Quốc gia, ngoài sự ảnh hưởng của giá xăng vào giá cước vận tải thì cần phải xem xét ở các khía cạnh bền vững, như áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý.

Trao đổi tại buổi tọa đàm, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết, đã có 2 doanh nghiệp taxi nộp kê khai xin giảm giá cước vận tải 500 đồng. Ngoài ra, trong suốt quá trình theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp vận tải, đã có những thời điểm họ tăng, giảm khác nhau và Cục vẫn đang theo dõi sát tình hình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN