Đủ chi phí không tên khiến giá cả chưa giảm dù giá xăng giảm

“Chúng ta đừng hy vọng giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm nhiều bởi nhiều doanh nghiệp, nhà cung ứng, vận chuyển đang còn phải “cứu” cái lỗ mà họ phải chịu trước đó. Họ còn phải hạch toán đủ thứ chi phí không tên, kể cả đút lót, mãi lộ…”

Ông Phạm Tất Thắng - nguyên lãnh đạo Bộ Thương mại (cũ, nay là Bộ Công thương) đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên Dân Việt.

Thưa ông, giá xăng đã giảm đến lần thứ 12 mà giá hầu hết hàng hóa không giảm hoặc giảm lấy lệ là quá vô lý?

Đủ chi phí không tên khiến giá cả chưa giảm dù giá xăng giảm - 1

Ông Phạm Tất Thắng - nguyên lãnh đạo Bộ Thương mại

Điều này mới đầu cho thấy là rất vô lý! Bởi giá vận tải là thứ dịch vụ tác động trực tiếp nhất bởi giá xăng dầu cũng chỉ giảm có 5-10% đến thời điểm này thì khó có thể kéo theo giá các hàng hóa khác liên quan ít hơn đến xăng dầu phải giảm giá mạnh.

Nhìn chung, giá các loại hàng hóa, trừ cước vận tải giảm nhẹ, còn lại đều không có biến động lớn. Cá biệt, một số ít mặt hàng còn có xu hướng tăng giá nhẹ như hàng thực phẩm, rau quả… Tại hầu hết các chợ, cửa hàng thậm chí họ còn “trông mặt” để bán hàng, bán không niêm yết giá nên càng ít cơ hội giảm giá.

Còn với siêu thị, do tồn kho hàng hóa lớn nên khi kiểm kê để tăng hay giảm giá cũng đều chậm. Hàng hóa bán tại siêu thị lại đắt đỏ hơn chợ vì chi phí kinh doanh cao, quản lý kinh doanh còn cồng kềnh… do vậy cũng không hy vọng có sự giảm giá.

Vậy ông cho việc hàng hóa, dịch vụ không hoặc chưa giảm giá nhiều là không vô lý, khi giá xăng dầu liên tiêp giảm mạnh?

Tôi vẫn khẳng định mới đầu điều này cho thấy là rất vô lý! Bởi về chủ quan mà nói thì thời điểm này, dịp cuối năm, lễ tết đến, lẽ ra giá hàng hóa sẽ phải tăng lên nhưng do giá xăng dầu giảm nên giá cả hàng hóa đã không tăng. Phần không tăng này lẽ ra cũng phải được tính toán vào yếu tố tác động của giá xăng dầu tới hàng hóa, dịch vụ.

Nhưng chủ quan, theo tôi, chúng ta đừng hy vọng giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm nhiều và điều này là có lý bởi nhiều doanh  nghiệp, nhà cung ứng, vận chuyển đang còn phải “cứu” cái lỗ mà họ phải chịu trước đó do giá cả biến động tăng lên, nhất là trong những tháng đầu năm. Nhiều doanh nghiệp đã kinh doanh thất bát, thua lỗ. Họ còn phải hạch toán đủ thứ chi phí không tên, kể cả đút lót, mãi lộ… vào nhân dịp giá xăng dầu giảm liên tiếp như hiện nay để “gỡ gạc” lại phần nào. Vậy họ lấy đâu cơ hội để giảm giá mà chỉ muốn cứu mình trước đã…

Chẳng nhẽ vì những lý do này mà người tiêu dùng phải gánh chịu việc giá cả neo cao, thưa ông?

Nguyên tắc kinh doanh là bao giờ người ta cũng muốn có lợi nhuận ở mức cao nhất. Đây là điều người tiêu dùng phải chấp nhận. Còn việc người tiêu dùng đang phải gánh chịu việc giá cả neo cao là do cung cách quản lý và điều hành thị trường nói chung của chúng ta hiện nay.

Hiện với nhiều mặt hàng Nhà nước còn định giá, quản giá mà chúng ta cũng đã khó quản lý giá cả của chúng. Các chiêu lách luật tăng giá, rút ruột hàng hóa, giảm chất lượng hàng hóa để phù phép cho việc tuân thủ giá vẫn đang diễn ra hàng ngày. Vậy những mặt hàng khác thì càng khó bắt buộc phải giảm giá.

Các cơ quan quản lý cũng đã “thúc” đủ cách, kể cả phạt nếu doanh nghiệp không giảm giá, song dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả?

Chúng ta có hàng vạn mặt hàng, vậy có thể dùng biện pháp hành chính mà giảm giá được không?! Lực lượng quản lý thị trường bây giờ không có luật nào để bắt một bà bán rau muống, thịt cá ngoài chợ phải bán xuống giá. Ngay việc đi kiểm tra hết được việc bán hàng hóa đúng giá, đúng chất lượng của một công chức quản lý thị trường cũng phải mất 10 năm mới quay trở lại được 1 cửa hàng đã kiểm tra.

Nói như vậy là để thấy chúng ta phải thay đổi quản lý giá cả hàng hóa, thị trường theo cơ chế thị trường thực sự, theo cạnh tranh, cung cầu của hàng hóa. Bàn tay Nhà nước ở đây phải là bàn tay vô hình, điều hành ở trên thị trường chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính nhìn thấy mà chúng ta vẫn đang áp dụng với nhiều mặt hàng như hiện nay.

Biện pháp hành chính cũng không được, để doanh nghiệp tự nguyện giảm giá theo quy luật cũng không xong. Vậy phải làm sao để cho giá cả hàng hóa vận hành theo đúng quy luật của giá cả, tức phải giảm khi các yếu tố đầu vào giảm mạnh, thưa ông?

Giá cả hàng hóa thực tế được quyết định bởi vấn đề cung-cầu, tổ chức thị trường, cạnh tranh lành mạnh. Nói rộng ra, ở đâu có nhiều nhà đầu tư đầu tư vào thì hàng hóa đó giảm và người tiêu dùng sẽ được lợi. Hiện nay quản giá của ta đang “bắt cóc bỏ đĩa” nay mặt hàng này, mai mặt hàng khác, làm từng mặt hàng thế sẽ không ổn, điển hình là giá sữa, kể cả cước vận tải hiện nay. Giờ té ra lâu nay, chả địa phương nào quan tâm đến giá vận tải, dù giá này phải đăng ký, giờ mới thống kê thì đã quá mất thời gian. Quản lý còn không nắm rõ thì làm sao bắt “tội” được ông vận tải?!

Vậy theo ông, trước mắt phải có giải pháp gì thì giá cả hàng hóa mới chịu vào “khuôn khổ” để người tiêu dùng không bị thiệt?

Nhà nước phải điều hành bằng cách không độc quyền; mở rộng liên kết sản xuất, phân phối, đảm bảo chất lượng hàng hóa… còn giá cả lúc đó sẽ thuận theo quy luật của thị trường… Ngay giá xăng dầu điều hành còn chưa đạt, cũng phải 15 ngày mới điều chỉnh, cũng phải có độ trễ… nên càng làm cho cái nghịch lý “xăng dầu giảm mà hàng hóa đứng yên”  khó mà giải quyết.

Quy luật tất yếu với mỗi mặt hàng là nhiều người làm thì giá sẽ cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng, đừng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh như nhiều  mặt hàng hiện nay.

Trước mắt, tôi cho trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ là không nên ôm đồm quá nhiều mà thành ra chả quản được gì cả. Chúng ta chỉ tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu bị tác động trực tiếp từ xăng dầu; tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng các mặt hàng này. Mặt hàng nào thấy ế sẽ tự nhiên giảm giá ngay.

Thị trường là yếu tố quan trọng nhất trong giá và quy luật cung-cầu là rất kinh khủng với giá cả hàng hóa, trước cả quy luật tiền-hàng. Nếu không vận dụng đúng quy luật này thì dù giá xăng dầu tới đây có giảm mạnh nữa thì giá hàng hóa vẫn cứ giảm nhỏ giọt thôi.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN