Điện tăng 5%, giá tiêu dùng sẽ nhảy theo

Ngày 31/7, Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 19 quy định giá bán điện và hướng dẫn thực hiện, lập tức cuối ngày, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo chính thức tăng giá điện từ hôm nay 1/8. Với mức tăng giá điện 5%, chắc chắn sẽ tạo một hiệu ứng tăng giá trên diện rộng.

Tăng giá để bù lỗ

Năm 2013, EVN dự kiến doanh thu từ điện khoảng 138.925 tỷ đồng, nhưng chi phí sản xuất điện khoảng 139.280 tỷ đồng, lỗ 355 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng năm 2013 có nhu cầu vốn tăng gần 1,4 lần so với năm 2012, khoảng 106.604 tỷ đồng, nhưng khả năng chỉ huy động vốn được khoảng 99.827 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phụ tải hệ thống điện quốc gia của EVN 6 tháng đầu năm ước khoảng 19.710 MW, nguồn điện khai thác từ thủy điện không đáp ứng đủ cho việc sản xuất, EVN phải đổ dầu DO giá cao để phát điện. Và giá than trước thời điểm 20/4 là khoảng 1 triệu đồng/tấn, nay tăng lên gần 1,3 triệu đồng/tấn…

Để bù lỗ, EVN đã trình Chính phủ biểu mẫu tăng giá điện. Và ngày 31/7, Bộ Công thương đã có quyết định cho phép tăng giá bán điện. Ngay sau đó, Tổng công ty Điện lực Việt Nam thông báo kể từ ngày 1/8, giá bán điện bình quân là 1.508,85 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 71,85 đ/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.437 đ/kWh).

Điện tăng 5%, giá tiêu dùng sẽ nhảy theo - 1

Giá điện tăng sẽ kéo theo hiệu ứng tăng giá lên hầu hết các mặt hàng.

EVN lý giải việc điều chỉnh giá bán điện lần này để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí, đặc biệt là giá than từ ngày 20/4 tăng từ 37 - 41% tùy từng loại than.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, hiện ngành điện Việt Nam đang được trợ giá và giá điện ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Việc tăng giá điện, để tránh trợ giá chéo, cân bằng giá điện sản xuất và giá điện bán ra thị trường, được coi là phù hợp và đúng với lộ trình.

Hiệu ứng tăng giá sẽ sớm lan rộng

EVN cho biết, lần điều chỉnh giá bán điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo quy định tại Quyết định 268 của Thủ tướng Chính phủ. Mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo và thu nhập thấp không thay đổi. Các hộ sử dụng điện sinh hoạt 100 kWh/tháng tăng chi 6.800 đồng/tháng, 150 kWh/tháng tăng chi 10.650 đồng/tháng, 200 kWh/tháng tăng chi 15.500 đồng/tháng, 300 kWh/tháng tăng chi 26.000 đồng/tháng, 400 kWh/tháng tăng chi 37.200 đồng/tháng.

Mặc dù số tiền người dân phải trả trực tiếp cho điện tăng giá không nhiều, nhưng ảnh hưởng của nó đến đời sống kinh tế của họ là không hề nhỏ, do tác động của việc tăng giá cộng hưởng khác. Cùng với việc giá xăng dầu cũng vừa được điều chỉnh tăng, một số địa phương áp mức tăng giá học phí, viện phí... từ ngày 1/8, chắc chắn sẽ tạo một hiệu ứng tăng giá trên diện rộng lên nhiều mặt hàng phục vụ đời sống, xã hội.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, mỗi tháng chi phí tiền điện của Vissan khoảng 1,5 tỉ đồng, nếu tăng giá điện thêm 5% thì chi phí tăng thêm sẽ khoảng 90 triệu đồng mỗi tháng.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, giá điện tăng 1% sẽ làm CPI tăng 0,07% (trong đó 0,04% tăng do ảnh hưởng trực tiếp và 0,03% do ảnh hưởng gián tiếp). Gần đây nhất giá điện tăng là vào 22/12/2012 với mức tương đương 5%, khi đó, Bộ Công thương ước tính giá điện tăng làm cho CPI tăng thêm 0,12%. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Minh - Hải Quỳnh (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN