Đánh thức “nữ hoàng” tỷ đô

Cây mắc ca (hay Macadamia) được thế giới mệnh danh là “nữ hoàng quả khô”, là “cây tỷ đô”, nhưng sau hơn 10 năm du nhập Việt Nam, “nữ hoàng” được ví vẫn đang ngái ngủ. Tuy nhiên, những người trong cuộc tin rằng có thể đưa Việt Nam lên đứng đầu thế giới về trồng và chế biến loại cây này.

Đây là vấn đề được nêu ra tại Diễn đàn “Mắc ca Việt Nam – Tiềm năng phát triển và cơ hội hợp tác” do Ban chỉ đạo Tây Bắc và các đơn vị phối hợp tổ chức chiều 24.1 tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và lãnh đạo địa phương.

Tham vọng đưa “nữ hoàng” lên đỉnh thế giới

Theo TS Phạm Đức Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây, thị trường toàn thế giới đến năm 2020 cần khoảng 220.000 tấn nhân (tương đương 650.000 tấn hạt). So với nhu cầu thì nguồn cung đến năm 2020 chỉ mới đáp ứng được 25-30% lượng cầu. Từ đó thấy rằng nhu cầu về mắc ca là rất lớn.

Đánh thức “nữ hoàng” tỷ đô - 1

Anh Đỗ Tự Nam đang chăm sóc vườn mắc ca 600 cây ở xã Ea Bar  (Buôn Đôn, Đắk Lắk).  

Tại Việt Nam mắc ca đã được nghiên cứu và trồng thử nghiệm trong hơn 10 năm trở lại đây. Hiện nay, thị trường mắc ca Việt Nam bắt đầu sôi động với sự tham gia của cả nông dân, các nhà khoa học, doanh nghiệp người tiêu dùng và được Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham dự diễn đàn này đều lạc quan cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành “cường quốc” mắc ca, thậm chí là vựa mắc ca lớn nhất thế giới. Theo phân tích của ông Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng ban, phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc: “Diện tích cây mắc ca trên thế giới hiện chỉ đạt 40.000ha do quỹ đất của các nước phù hợp với cây mắc ca không nhiều, trong khi Việt Nam đã quy hoạch được 200.000ha, gấp 5 lần tổng diện tích hiện có của thế giới. Chúng ta đã có những sản phẩm nông sản đứng đầu thế giới về giá trị xuất khẩu như tiêu, điều... Không có lý do gì mắc ca Việt Nam lại không thể gia nhập vào nhóm đầu của hàng nông sản này”.

Đồng tình với nhận định này, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng – một trong những người rất tâm huyết với việc đưa mắc ca vào Việt Nam, nhấn mạnh hiệu quả và lợi thế của cây mắc ca: “Thực tế cho thấy, 1ha cà phê trung bình thu được 3,8 tấn/năm. Với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg, thu 155 triệu đồng. Trong khi đó, 1ha mắc ca trồng khoảng 360 cây, đến thời điểm 9 năm tuổi, thu 5 tấn. Với giá chỉ cần 120.000 đồng/kg đã thu được 600 triệu đồng. Mắc ca cho doanh thu lớn hơn trong khi chi phí thấp hơn trồng cà phê, nếu trồng xen cà phê và mắc ca sẽ có hiệu quả rất cao”.

Hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD/năm

Theo PGS-TS Nguyễn Bá Ngãi– Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp (Bộ NNPTNT): “ Dự kiến năm 2025 chúng ta sẽ đạt 200.000 tấn hạt và tạo ra giá trị thương mại hàng tỷ USD. Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000ha và có thể đạt được kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm”.

Trong thời gian qua, các nhà khoa học bỏ tâm sức nghiên cứu, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào cây mắc ca. Trong đó phải kể tới là Vinamaca với các thành công bước đầu khá vững tại Tây Nguyên. Tại Điện Biên, Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghệ quốc tế (IDT) cũng đang tiến hành triển khai dự án trồng cây mắc ca trên diện tích 4.000ha. IDT cũng đã đưa ra thị trường những sản phẩm chế biến mắc ca đầu tiên với thương hiệu cao cấp Delix. Lĩnh vực này trở nên sôi động hơn khi Ngân hàng Lienviet Postbank mới đây đã công bố Đề án 10.000 tỷ đồng cho vay đầu tư vào mắc ca.

Cây mắc ca cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Nghị định 210/2013/NĐ-CP khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực từ 10.2.2014 quy định: “Các dự án trồng cây Macadamia có quy mô từ 50ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để quy hoạch vùng trồng và cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây Macadamia quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở”.

Tuy nhiên theo PGS-TS Nguyễn Bá Ngãi, để nhân rộng mạnh mẽ vùng trồng mắc ca, Việt Nam cần xây dựng ngay chiến lược toàn diện để phát triển cây mắc ca, bắt đầu bằng việc quy hoạch vùng trồng. Cần tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật, thăm dò thị trường và xây dựng chuỗi trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ là rất quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm, xác lập được thị trường đảm bảo đầu ra cho mắc ca, tránh tình trạng trồng ồ ạt nhưng không tiêu thụ được.

Lạc quan trong thận trọng, tại diễn đàn, một số nhà khoa học cũng khuyến cáo những rủi ro có thể gặp phải đối với người trồng như chất lượng cây giống, thời tiết khí hậu thay đổi vào thời điểm ra hoa và đậu quả, thời gian đầu tư tới 7-8 năm mới cho thu hoạch. Trên phương diện ngành hàng, Việt Nam phải có kế hoạch đồng bộ, xác định rõ thị trường và những nghiên cứu chi tiết hơn nữa để không rơi vào rủi ro diện rộng, hoặc đứng đầu thế giới chỉ về xuất thô, ít giá trị gia tăng như từng xảy ra với nhiều ngành hàng khác.

 Đến thời điểm này các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên đã trồng mắc ca với tổng diện tích trên 2.000ha. Việt Nam đã quy hoạch 200.000ha ở Tây Nguyên và 30.000ha ở Tây Bắc.  

Các nhà đầu tư đã mạnh dạn đi đầu trồng mắc ca sẽ trăn trở, vất vả hơn nhưng tôi tin rằng họ sẽ nhận được những kết quả lớn hơn nhiều lần trong tương lai không xa”. Ông Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng ban, phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc.

Hạt mắc ca là loại quả khô ngon nhất thế giới. Nó ngon hơn cả hạt điều, hạt hạnh nhân và hạt hạch đào. Dầu và hạt mắc ca còn được sử dụng làm thực phẩm rất bổ dưỡng và  được ưa chuộng”.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đình Thắng (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN