Đại biểu QH: Ốc vít cũng phải nhập, liệu VN có là bãi rác?

Sự kiện: Họp Quốc hội

Có dư luận cho rằng từ những con ốc vít nhỏ cũng phải nhập từ nước ngoài. Phải chăng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nước ta chỉ là bãi rác để nước ngoài thuê một phần lao động phổ thông và hưởng chính sách ưu đãi đầu tư ở Việt Nam.

Phấn đấu nhiều năm, không có gì đáng kể

Công nghiệp hỗ trợ của đất nước là đề tài “nóng” trong phiên chất vấn Bộ Trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng chiều 17/11 của Quốc hội.

Theo Lê Đình Khanh, đoàn Hải Dương công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là chủ trương của Đảng và Nhà nước nhưng qua nhiều năm phấn đấu tới nay hầu hết các khâu cơ giới hóa vẫn phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu hoặc lắp ráp. Cử tri hỏi đâu rồi nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, niềm tự hào của ngành công nghiệp nặng những năm 60 của thế kỷ 20, đâu rồi tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam, đâu rồi hàng chục viện nghiên cứu, hàng chục ngàn kỹ sư, tiến sĩ, viện sĩ, giáo sư với hàng chục ngàn luận án, đồ án đề tài khoa học chưa được ứng dụng trong thực tiễn.

Đại biểu QH: Ốc vít cũng phải nhập, liệu VN có là bãi rác? - 1

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng

“Phải chăng Bộ Công thương chưa có chính sách phù hợp để nền công nghiệp hỗ trợ phát triển nên những hai lúa được trọng vọng ở nước ngoài nhưng bị bó ở Việt Nam?”, đại biểu đoàn Hải Dương đặt câu hỏi.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo, đoàn Thừa Thiên Huế hỏi sau nhiều năm phấn đấu, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không có gì đáng kể. Có phải vì thiếu chính sách cụ thể và trách nhiệm như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá, Trà Vinh hỏi: Trong lĩnh vực lắp ráp như ô tô, điện, điện tử, điện thoại di động, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm. Có dư luận cho rằng từ những con ốc vít nhỏ cũng phải nhập từ nước ngoài. Phải chăng trong lĩnh vực này nước ta chỉ là bãi rác để họ thuê một phần lao động phổ thông và hưởng chính sách ưu đãi đầu tư ở Việt Nam. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến và giải pháp.

Khó len chân vào chuỗi toàn cầu

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng công nhận công nghiệp hỗ trợ có nhiều vấn đề, chính sách chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Theo Bộ trưởng, với xu thế thương mại hóa toàn cầu ngày càng phát triển, sự phân công trong chuỗi giá trị toàn cầu bị quyết định bởi doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp này sử dụng mạng lưới sẵn có rồi. Vì thế len chân vào chuỗi giá trị toàn cầu hết sức khó khăn.

Công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện phụ tùng đồi hỏi nguyên vật liệu mới, đặc biệt là thép, chất dẻo mà Việt Nam chưa có nên phải nhập. Kéo theo đó là giá thành sản xuất khó có thể cạnh tranh với nhà sản xuất nước ngoài. Công nghiệp hỗ trợ cũng đòi hỏi trình độ lao động cao mà Việt Nam thiếu đội ngũ lao động tay nghề cao này, Bộ trưởng lý giải.

Người đứng đầu Bộ Công thương cũng cho biết, để phát triển những lĩnh vực như phụ tùng, linh kiện… đòi hỏi quy mô sản xuất lớn mới có giá thành cạnh tranh. Nhưng thị trường của Việt Nam chưa đủ lớn. Như với ô tô, 1 năm các cơ sở sản xuất lắp ráp trong nước chỉ sản xuất được khoảng 70 nghìn xe trong khi tối thiểu phải là 100 nghìn xe, doanh nghiệp mới có thể phát huy được.

Về tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Công thương cho biết, đối với lĩnh vực ô tô, ô tô chở khách tới 80 chỗ đã nội địa hóa được 40%, xe tải nông dụng được 70%, ô tô con mới được 10%.

Xe máy nội địa hóa được trên 90%, kể cả động cơ, Việt Nam đã xuất khẩu 150 nghìn xe máy ra nước ngoài. Công nghiệp xe máy của Việt Nam đã cạnh tranh được hàng ngoại của láng giếng.

Điện tử gia dụng (điều hòa, máy giặt, tủ lạnh) đạt 30 – 35% nội địa hóa. Điện tử tin học (điện thoại di động) mới đc 15%. Ngành dệt may đạt tỉ lệ nội địa hóa 50% trong khi con số này với da giày là 60%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Họp Quốc hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN