Đặc sản sâm "ông uống, bà khen": Nghiên cứu để mở rộng diện tích

Sự kiện: Kinh Doanh

Trước nhu cầu tiêu thụ sâm cau ngày càng tăng và nhận thấy loại cây này có khả năng tạo thêm nguồn thu nhập khá cho các hộ dân ở Sơn Tây, Quảng Ngãi nên chính quyền địa phương đã chỉ đạo cho bộ phận chuyên môn trực thuộc xây dựng đề án trồng thí điểm để nhân rộng.

Từ lâu, sâm cau đã được biết và sử dụng làm dược liệu chữa một số bệnh, đặc biệt là để bồi dưỡng sức khỏe.

Đặc sản sâm "ông uống, bà khen": Nghiên cứu để mở rộng diện tích - 1

Cây sâm cau trưởng thành

Già Đinh Văn Kia (72 tuổi), ở xã Sơn Lập, gật đầu cho biết: "Hồi mới cao hơn cái rựa, tôi đã thấy cha mẹ vào rừng đào sâm cau, chặt  lấy rễ để mang về nấu nước, ngâm rượu uống cho bớt cái mệt sau khi lên rẫy, làm nương trở về".

Trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, đồng thời nhận thấy sâm cau có thể tạo thêm nguồn thu cho nhiều gia đình người Ca Dong nên dù hiện ngoài tự nhiên vẫn còn khá nhiều, song chính quyền huyện Sơn Tây đã cho xây dựng đề án trồng thí điểm để nhân rộng loại cây này.

Đặc sản sâm "ông uống, bà khen": Nghiên cứu để mở rộng diện tích - 2

Người dân đi tìm thu hoạch sâm cau

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Quý – Trưởng Trạm Khuyến nông Sơn Tây, đơn vị được giao đảm nhận triển khai đề án này, cho biết: "Qua tìm hiểu thì sâm cau là loại cây trồng rất dễ, phát triển mạnh ở các vùng đồi núi của huyện, đặc biệt là dưới bụi rậm, có độ ẩm ướt".

Việc trồng thí điểm sẽ tiến hành trên diện tích khoảng 5000m2, ở tại khu vực rừng xã Sơn Mùa. Có thể trồng sâm cau bằng cây con hoặc bằng hom. Cụ thể, chọn và cắt 1 đoạn thân cây trưởng thành (3 tuổi), xử lý kĩ thuật rồi đem giâm trong túi tại vườn. Sau đó đến mùa mưa (khoảng tháng 9-10), thì đưa ra trồng ngoài tự nhiên.

Đặc sản sâm "ông uống, bà khen": Nghiên cứu để mở rộng diện tích - 3

Rễ của cây sâm cau

"Tổng kinh phí cho mô hình này khoảng 400 triệu đồng/6 năm. Hiện, đề án đã trình cho UBND huyện, khi được phê duyệt thì sẽ thực hiện”, ông Quý cho biết thêm.

Theo một số tài liệu thì sâm cau có tên gọi khác như: ngải cau, tiên mao, cồ nốc lan... còn tên khoa học là Curculigo orchioides Gaertn.

Khi trưởng thành, cây cao từ 50-100cm, lá có hình mũi mác xếp nếp tựa như lá cau với phiến thon hẹp, hai mặt lá nhẵn gần như cùng màu, gân song song, dài 30-50cm, rộng từ 2-4cm...nên được gọi tên là sâm cau.

Đây là loại cây thảo mọc hoang và phổ biến tại nhiều vùng núi rừng tại Việt Nam. Riêng tại Quảng Ngãi, huyện Sơn Tây là nơi sâm cau được tìm thấy nhiều nhất. Tại đây, bất cứ khu vực núi nào cũng có thể tìm thấy sâm cau, chỉ khác nhau về số lượng ít nhiều. "Ngày trước chỉ cần mang gùi ra các bụi rậm ven làng là có thể tìm được sâm cau", ông Đinh Văn Lin (54 tuổi), ở xã Sơn Mùa bày tỏ.

Tuy nhiên mấy năm gần đây, cùng với lời truyền tụng về tác dụng "ông uống, bà khen" nhờ mùi thơm như nhân sâm Hàn Quốc, sâm cau đã trở thành đặc sản “nên tìm và nhớ mua" của người miền xuôi khi có dịp tới đây.

Giá bán tại trung tâm huyện Sơn Tây của loại sâm cau này là 50.000 đồng/kg tươi, cao hơn gấp 3 lần so với 2 năm trước đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Xuân (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN