Công bố PCI 2014: Vui, nhưng vẫn lo

Triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đã tăng trở lại, nhiều tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh đã được cải thiện. Nhưng qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố ngày 16.4, người ta vẫn thấy một thực tế: Tham nhũng, hối lộ chưa có dấu hiệu thuyên giảm…

DN lạc quan trở lại

Dựa trên kết quả điều tra 9.859 DN dân doanh và 1.491 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Báo cáo PCI 2014 cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh doanh của DN đã tăng trở lại sau 2 năm sụt giảm mạnh. Qua điều tra, có tới 46,1% DN dân doanh dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, tăng mạnh so với mức 32,5% của điều tra năm 2013. Tỷ lệ này ở các DN FDI là 50%.

Công bố PCI 2014:  Vui, nhưng vẫn lo - 1

Ông Vũ Tiến Lộc (trái) đại diện cho VCCI trao cúp cho ông Huỳnh Đức Thơ (giữa) - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - địa phương đứng đầu trong xếp hạng PCI 2014. Ảnh: Khắc Kiên.

“Lần đầu tiên trong 5 năm trở lại đây, niềm tin của cộng đồng DN về triển vọng kinh doanh có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ”- ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI nói.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius cũng đánh giá: “Kết quả PCI năm nay cho thấy những tín hiệu đáng khích lệ. Cộng đồng DN dân doanh và các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã lạc quan hơn về triển vọng đầu tư kinh doanh của Việt Nam, đồng thời nhìn nhận tích cực hơn về những tiềm năng của Hiệp định TPP (Đối tác kinh tế thương mại xuyên Thái Bình Dương) trong thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng”.

Ông Edmund Malesky- GS-TS kinh tế, Đại học Duke, Hoa Kỳ, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI đồng quan điểm: DN FDI tiếp tục đánh giá tích cực môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh. Thể hiện ở sự ổn định của chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của DN vào quá trình hoạch định các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới họ cao và các mức thuế hợp lý (mức thuế của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia cạnh tranh)…

Tham nhũng, hối lộ tăng

Tuy nhiên, PCI năm nay cũng chỉ ra sự thụt lùi ở 4 tiêu chí khác, trong đó có tiêu chí rất quan trọng là chi phí không chính thức (tham nhũng).

Ông Edmund Malesky nói: “Chất lượng hạ tầng, dịch vụ công (y tế, giáo dục) của Việt Nam còn kém hơn cả Lào, Campuchia. Việt Nam đưa ra quá nhiều các quy định, đặc biệt là sau khi DN đã đi vào hoạt động, khiến cho môi trường kinh doanh kém cạnh tranh”. Thu thập kết quả điều tra khối DN FDI, ông Edmund Malesky cũng chỉ ra, chi phí không chính thức (tham nhũng) tại Việt Nam đang có xu hướng tăng lên, cụ thể ở khâu xin giấy phép thành lập DN, trả hoa hồng khi đấu thầu, hối lộ cho hải quan, thậm chí cả khi ra tòa.

Kết quả nghiên cứu khối DN dân doanh trong nước mà VCCI công bố cũng cho kết quả tương tự về vấn đề này. Ông Đậu Anh Tuấn- đại diện VCCI cho biết: Các DN vẫn cần phải có quan hệ với cơ quan nhà nước để có thông tin, nếu năm 2013 tỷ lệ này là 51% thì năm 2014 tăng lên 73%. Tương tự, DN phải “lót tay” thương lượng với cán bộ thuế cũng tăng từ 39% lên 49%. Còn 66% DN cho biết thường phải trả chi phí không chính thức, trong khi năm 2013 tỷ lệ này là 50%. Lo ngại hơn khi quy mô tham nhũng, chi phí không chính thức đang tăng lên, chiếm trên 10% doanh thu của DN.

Tính năng động của các địa phương cũng cho kết quả điều tra đáng lo ngại. Đó là chính sách ở trên thì đúng nhưng thực thi tại cấp cơ sở, ngành kém; thậm chí nhiều huyện còn thực hiện sai chính sách, đây là những “kẽ hở” tạo ra tham nhũng, hối lộ.

 

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - địa phương giữ ngôi quán quân PCI 2014, chia sẻ: Tăng cường chất lượng điều hành chính là động lực quan trọng thúc đẩy kinh doanh của DN, cải thiện chỉ số PCI chứ không phải vị trí địa lý hay cơ sở hạ tầng.  

Ông Doãn Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai:

Quyền lợi nhà đầu tư đặt lên hàng đầu. Khẩu hiệu để dẫn tới hành động của Lào cai rất rõ ràng,đó là “DN phát tài – Lào Cai phát triển” chứ không phải là “Lào Cai phát triển – DN phát tài”. Với mục tiêu rõ ràng này cùng với các giải pháp và chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, các ngành của tỉnh, Lào Cai tin tưởng rằng niềm tin sẽ được khôi phục, sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của cộng đồng DN.

Ông Châu Hồng Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp:

  Kỳ vọng nhiều vào cộng đồng DN. Tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao vai trò của cộng đồng DN trong sự phát triển kinh tế - xã hội, thông qua giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện thu nhập người dân. Diện mạo của Đồng Tháp có được hôm nay cũng chính là nhờ sự đóng góp của người dân và cộng đồng DN. Chúng tôi rất trân trọng điều đó và luôn đặt kỳ vọng sẽ có nhiều DN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đứng vào hàng ngũ các DN uy tín trong khu vực và trên thế giới. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình vì sự lớn mạnh của cộng đồng DN tỉnh Đồng Tháp.

 
Hải Quỳnh (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN