Chè ngon nhờ... trứng thối, mật ong

Tôi đã đi qua nhiều vùng chè nổi tiếng của nước ta, từ Thái Nguyên, Suối Giàng, Mộc Châu... nhưng chưa thấy nơi nào có cách chăm sóc chè “kỳ quặc” bằng mật ong, trứng thối, đậu tương... như ở Ba Vì, Hà Nội.

Bi kíp chè ngon

Thấy chúng tôi vào nhà, anh Phùng Minh Thuần ở thôn 4, xã Ba Trại, Ba Vì lật đật rót chén trà thứ thiệt đặc sản Ba Vì mời khách. Tôi cầm chén trà lên hít một hơi thật sâu để vị thơm của chè thấm đượm vào từng kẽ phổi rồi nhấm nháp một ngụm và cảm nhận vị chát, ngọt của chè lan tỏa trong cổ họng.

Anh Thuần mách nhỏ, người dân nơi đây có một “bí kíp” làm cho chè ngon, đó là dùng phân bón lá làm từ đỗ tương, trứng thối và mật ong. Nghe anh nói xong tôi thấy ngỡ ngàng, cảm thấy khó hiểu vì nghĩ loại phân bón lá tự chế được làm từ trứng thối, đậu tương thối và mật ong chắc phải ghê rợn lắm.

Nhìn thấy khuôn mặt nhăn nhó của chúng tôi sau khi nhấp xong chén nước, anh Thuần hớn hở cười và giải thích: “Loại phân bón lá đó là một bí quyết ít người biết đến, nhưng nó lại giúp chè phát triển tốt hơn, tạo ra dư vị rất tinh tế trong một số sản phẩm chè Ba Vì”.

Theo anh Thuần, không biết bí quyết làm tăng chất lượng của chè từ mật ong, đỗ tương và trứng thối có từ khi nào. Gia đình anh đã mấy đời trồng chè. Khi ông bà mất có dặn lại con cháu cách chăm sóc làm sao cho chè đạt được hương vị tinh tế nhất, đậm đà nhất và anh chỉ làm theo lời dặn của ông bà.

Tuy nhiên, có người lại cho rằng, bí quyết tạo ra chất lượng chè tuyệt hảo này mới xuất hiện mấy chục năm nay, bắt đầu từ khoảng năm 1980, khi một công ty chè của Đài Loan đến mở công ty chế biến chè xuất khẩu. Lúc đó công ty này đã hợp tác với người dân Ba Vì để sản xuất chè ô long chất lượng cao.

Trong quá trình sản xuất, công ty đã đem đỗ tương ngâm thối sau đó xay nhuyễn rồi trộn với trứng gà thối, mật ong để tạo ra phân bón lá cho chè ô long. Khi công ty này giải thể, những người dân từng liên kết với nhà máy chè đã học được cách pha chế và sử dụng thuốc bón lá tự chế để tạo ra hương vị đặc biệt cho chè ô long.

Mặc dù tranh cãi về nguồn gốc của bí quyết đặc biệt này còn chưa ngã ngũ, nhưng người dân một số xã ở Ba Vì đã biết vận dụng vào sản xuất để tạo nên một nét tinh tế, hương vị riêng cho chè Ba Vì.

Chị Doãn Thị Thúy ở thôn 4 xã Ba Trại cho biết: “Muốn có được loại phân bón lá cho chè cần phải ngâm đỗ tương từ 10 ngày trở lên để đỗ tương càng thối nhũn ra càng tốt, khi đậu tương thối thì vớt ra nghiền nhỏ trộn với trứng gà thối. Mỗi bình 18 lít nước phải trộn 3 - 4 quả trứng với 3 lạng đỗ tương. Sau khi cho đỗ tương và trứng vào bình mới đổ mật ong vào sau, theo kinh nghiệm dân gian thì mỗi bình phải đổ 1 - 2 cốc mật ong loại tốt.

Việc phun thuốc phải được thực hiện mỗi tháng 2 - 3 lần. Nếu chè tốt thì chỉ phun hai lần vào đầu và cuối mỗi vụ chè, nếu chè xấu có thể phun thêm một lần nữa sau lần phun thứ nhất 10 ngày. Chi phí để làm phân bón lá không tốn kém lắm, hiện một lít mật ong có giá 120.000đ, trong khi trứng thối không phải mua hoặc mua với giá rẻ... Một ha chè chỉ cần chi phí khoảng 200.000đ tiền phân bón lá”.

Đến khi thu hoạch, chè phải được hái theo nguyên tắc “một tôm hai tép” (hái ngọn chè 2 lá nhỏ một lá to), chè hái xong thì đem về phơi trong bóng râm cho đến khi chè héo lại rồi mới đưa vào lò sấy. Loại chè đặc biệt này khi pha thường có mùi hương thơm đậm, béo, nước chè xanh, vị chát, ngọt.

Chè ngon nhờ... trứng thối, mật ong - 1
Người dân Ba Vì có bí quyết riêng rất độc đáo để chăm sóc vườn chè tươi tốt, chất lượng cao.


Loay hoay tìm chỗ đứng

Mặc dù chè Ba Vì nổi tiếng thơm, ngon không khác gì chè Thái Nguyên, Mộc Châu... nhưng có một thực tế đang diễn ra đó là người dân vẫn phải tự xoay sở tìm lối ra cho sản phẩm của mình.

Ông Nguyễn Huy Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại phân trần: “Mặc dù chè Ba Vì đã được công nhận thương hiệu năm 2010, tuy nhiên người dân vẫn phải bán những sản phẩm của mình theo kiểu “mạnh ai người ấy làm”. Các sản phẩm chè ở đây chủ yếu bán cho một số đại lý thu mua ở Ba Vì, Thái Nguyên mà không có nhãn mác gì hết. Một số cơ sở chế biến ở địa phương phải tự đầu tư dây chuyền sản xuất và tự tạo nhãn mác, thương hiệu theo tên của gia đình mình để bán ra thị trường”.

Khi hỏi về những sản phẩm chè thượng hạng có qui trình sản xuất rất cầu kỳ, công phu ở Ba Trại được bán đi đâu, anh Phùng Minh Thuần tiết lộ: “Ba Trại là vùng chè ngon nhất ở Ba Vì hiện nay, nhưng những sản phẩm mà gia đình tôi làm ra đều phải bán cho tư thương ở tận Thái Nguyên xuống thu mua. Một cân chè khô loại một được thu mua với giá 180.000đ, còn những loại khác tầm 50.000 - 120.000đ. Thương lái Thái Nguyên đem chè Ba Vì về rồi đóng gói, nhãn mác chè Thái Nguyên đem bán với giá cao hơn khi mua ở Ba Vì.

Chè ngon nhờ... trứng thối, mật ong - 2
Anh Phùng Minh Thuần bên lò sấy chè thượng hạng của gia đình mình.

Với việc bán chè đi Thái Nguyên, mỗi tháng gia đình tôi thu từ 7 - 9 triệu đồng sau khi đã trừ tất cả các chi phí. Tuy nhiên, việc buôn bán kiểu tự phát như vậy rất bất trắc, nếu thị trường có biến động, tư thương Thái Nguyên không đến thu mua chè nữa thì người dân sẽ bị thua lỗ, chè dù có ngon đến mấy thì cũng phải đổ”.

Theo anh Thuần thì hiện nay, do việc chế biến phân bón lá cho chè mất rất nhiều thời gian nên một số gia đình tìm cách loại bỏ trứng và đỗ tương ra khỏi quy trình chế biến, đồng thời họ cũng không phun mật ong cho chè mà khi sao, vo chè họ tẩm luôn mật ong vào làm cho chất lượng chè thay đổi nghiêm trọng.

Khi uống phải loại chè tẩm mật ong chúng ta thường ngửi thấy mùi chè có lẫn mùi mật ong, nước chè đục, vàng, khi uống vị ngọt lan tỏa trực tiếp qua đầu lưỡi chứ không lan tỏa từ cổ họng giống như chè được phun phân bón lá đúng quy trình.

"Việc người dân sử dụng mật ong, trứng và đỗ tương thối để chế biến phân bón lá phun cho chè là có thật. Tuy nhiên, do việc làm này tốn thời gian và phải trải qua nhiều công đoạn nên chỉ còn một số ít hộ dân sử dụng phương pháp này để nâng cao chất lượng cho sản phẩm chè. Thời gian tới, ngoài việc vận động người dân tuân thủ các biện pháp nâng cao chất lượng chè, địa phương còn triển khai mô hình du lịch nông nghiệp để khách thập phương đến các vườn chè ở địa phương tham quan, nghỉ ngơi nhằm quảng bá chè Ba Vì đến bạn bè trong nước và thế giới và giúp người dân có thêm thu nhập."

Ông Nguyễn Huy Hùng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quách Dương (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN