Cận tết, làng nghề bánh chưng im ắng

Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) vốn nức tiếng bởi nghề làm bánh chưng truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay. Thế nhưng, Tết đã cận kề mà trong làng vẫn rất yên ắng.

Đơn hàng giảm

Có mặt tại làng Tranh Khúc vào sáng 12 tháng Chạp (âm lịch) chúng tôi không thể tưởng tượng “làng bánh chưng” nức tiếng lại yên ắng đến vậy trong vụ sản xuất tết. Bà trưởng thôn Lý Thị Thiệp cho biết, cả làng có hơn 200 hộ thì có đến 70% làm bánh chưng. Thế nhưng, đi đến đâu cũng thấy nhà nhà cửa đóng then cài im ỉm.

Cận tết, làng nghề bánh chưng im ắng - 1

Gia đình ông Nguyễn Duy Thắng gói bánh chưng.

Tại một số gia đình có truyền thống làm bánh lâu năm, có lượng bánh gói nhiều mới thấy chút không khí. Như gia đình cụ Bùi Thị Tỵ (thương hiệu bánh Thắng Tỵ) có 4 người đang gói bánh. Năm nay cụ Tỵ đã bước sang tuổi 94, chân tay đã yếu, không còn gói bánh được nữa, nhưng cụ vẫn phụ giúp con cháu những việc nhẹ nhàng.

Cụ bảo: “Tôi luôn nhắc nhở cháu con làm bánh cho "chuẩn" để không mất đi thương hiệu của làng”.

Tuy nhiên, hỏi về chuyện làm ăn, ông Nguyễn Duy Thắng - con trai cụ Tỵ lắc đầu bảo: “Mọi năm dịp này gia đình tôi gói khoảng 130-150 bánh mỗi ngày, năm nay chỉ gói khoảng 100 bánh/ngày. Thời điểm này, các đơn đặt hàng bánh cũng chưa nhiều. Tôi mới chỉ nhận được một đơn đặt hàng ở TP.HCM, đặt làm 100 bánh loại to. Dự kiến những ngày cao điểm từ 26-28 tết, gia đình tôi cũng chỉ gói khoảng 300 bánh/ngày. Mà ở làng này, nhà nào gói nhiều nhất cũng chỉ khoảng 500 bánh/ngày là kịch”.

Thực tế tại gia đình ông Thắng, để làm được 300 bánh/ngày, ông phải thuê tới 4-5 người phụ việc rửa lá, vo gạo, còn ông và người em họ trực tiếp gói bánh. “Đây là khâu quan trọng nhất nên lao động phụ việc không làm được. Gói phải có bí quyết, chỉ cần lỏng tay là bánh xấu ngay. 1 bánh chưng phải có 5 lá, không phải ai cũng xếp được để gói. Vì thế việc gói hàng nghìn bánh là chuyện không thể”- ông Thắng phân trần.

Nhiều hộ làm bánh khác cũng cho biết, năm nay giá nguyên liệu tăng (như đỗ xanh tăng từ 18.000 lên 23.000 đồng/kg), trong khi giá bánh không tăng, vì thế người làm cũng không có lãi nhiều. Ngoài ra, thời tiết thất thường, vận chuyển và bảo quản khó khăn nên ít người đặt bánh sớm. Như gia đình cụ Trần Thị Thiện, 77 tuổi (thôn 1, xã Đông Mỹ) hiện cũng chỉ gói 100 bánh chưng/ngày.

Cụ cho biết: “Bánh đặt ngày 24, 25 tháng Chạp mà gặp trời nồm thì chỉ vài ngày là bánh thiu. Vì thế, khách hàng thường lựa thời tiết để đặt. Hiện tại, chúng tôi chỉ làm bánh bán ở quanh Hà Nội, chưa bán được đi các tỉnh”.

Lớp già cố giữ, lớp trẻ bỏ nghề

Thông thường bánh chưng ở Tranh Khúc chia ra làm 5 loại khác nhau, giá tiền tùy theo trọng lượng bánh, phổ biến từ 5.000 -40.000 đồng/chiếc, bánh bán dịp tết đắt hơn ngày thường khoảng 5.000 đồng/chiếc. “Giá thì khó tăng trong khi nguyên liệu đắt đỏ, người làm chỉ lấy công làm lãi. Do đó, người trong làng còn làm nghề toàn lớp trung niên trở lên, chứ lớp trẻ đi tha phương kiếm nghề khác hết rồi”- ông Thắng tâm sự.

Lý giải cho sự tò mò của chúng tôi vì nghề vất vả mà chỉ có toàn các cụ cao tuổi làm, cụ Thiện nói: “Giờ chúng nó có nghề khác hết rồi, nhàn hạ hơn nghề làm bánh như chúng tôi. Vì nghề cha sinh mẹ đẻ nên chúng tôi cố bám nghề”.

Con cháu trong làng giờ không ai học nghề, mỗi người làm một nghề khác nhau, tết cũng bận rộn nên làng nghề thường phải tuyển lao động thời vụ phụ giúp. Thường thì từ ngày 15 tháng Chạp, làng lại đón sinh viên, lao động tự do về làng kiếm việc.

Nguyễn Thị Yên (Thanh Thủy, Phú Thọ), sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bộc bạch: “Năm nay là năm cuối nên em được nghỉ tết sớm. Em đã làm được 2 ngày, công việc chính là rửa lá, lau lá, cắt gọng lá hay nấu đỗ. Ở đây người gói bánh đều già cả, vì thế họ phải trông cậy vào bọn em làm phụ việc. Nếu làm tốt em sẽ được nhận làm với mức lương 2 triệu đồng/vụ”- Yên cho hay.

Phạm Văn Dương (Phú Xuyên, Hà Nội), sinh viên Học viên Bưu chính viễn thông Hà Nội chia sẻ: “Năm nay là mùa thứ 2 em xin làm, như chúng em thì chỉ làm mấy việc phụ thôi chứ để trộn đỗ, thịt hay gói bánh thì chủ nhà không cho làm. Công việc không quá vất vả, nhưng đòi hỏi người làm phải kiên trì và có một sức khỏe khá. Do đó, các bạn nam như em hay được nhận hơn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngô Xuân (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN