Buôn đỉa khô: Từng bắt giữ đến 6 tạ đỉa ở Tây Ninh

Sự kiện: Tây Ninh

Khoảng 72kg đỉa khô vừa bị thu giữ, tiêu hủy khi đang vận chuyển từ biên giới Campuchia vào Việt Nam, nhưng các cơ quan chức năng chưa thể tìm ra nguồn gốc cũng như hình thức xử lý người vận chuyển.

Vừa qua, công an và bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ tại ấp Thành Tây, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đã phát hiện và bắt giữ một đối tượng chở 2 bao tải chứa đầy đỉa khô hướng từ biên giới Campuchia về Việt Nam.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Trung - Trưởng Công an xã Thành Long xác nhận vụ việc. Ông Trung cho biết công an xã đang trực tiếp điều tra vụ việc trên, sau đó sẽ tham mưu cho cấp huyện có hướng xử lý.

Cụ thể, lúc tờ mờ sáng 14.11, chiếc xe máy mang BKS 70B1 - 170.94 chở hàng cồng kềnh do Lâm Văn Việt (31 tuổi, ngụ ấp Thành Đông, xã Thành Long) điều khiển, chạy với tốc độ cao hướng từ biên giới Campuchia về Việt Nam. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe của thanh niên này chở những bao tải chứa đỉa đã sấy khô cùng nhiều hàng hóa khác (trong đó có 2 tấm gỗ xẻ và 1 máy may công nghiệp không rõ nguồn gốc).

Buôn đỉa khô: Từng bắt giữ đến 6 tạ đỉa ở Tây Ninh - 1

72kg đỉa sấy khô vừa bị công an bắt giữ (Ảnh: Mai Linh/Tiền Phong)

Ông Trung cho biết thêm, Việt khai là được một người phụ nữ cùng xã Thành Long, tên Tr. thuê chở hàng. Hiện, người phụ nữ này đang lẩn trốn nên công an chưa thể triệu tập.

Theo ông Trung, hiện đang có nhiều thông tin suy đoán thiếu căn cứ về số đỉa nói trên khiến bản thân ông khá “đau đầu” và người dân ở đây cảm thấy hoang mang. Do đó, ông Trung hy vọng người dân không phát tán các thông tin chưa xác thực, chờ đợi kết quả điều tra chính xác từ cơ quan chức năng.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Trưng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tây Ninh cho biết, thật ra trước đây các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã từng phát hiện và bắt giữ nhiều chuyến hàng tương tự, tuy nhiên đó là đỉa tươi với tổng trọng lượng khoảng 600kg.

Theo ông Trưng, hiện lực lượng chức năng chưa thể xác định được nguồn gốc của số đỉa nói trên. Bản thân người chở hàng khai nhận mình chỉ là chở hàng thuê, không biết chính xác người nhận hàng và chính xác món hàng đang chở là gì cho tới khi bị phát hiện. “Mấy lần trước cũng bắt được người dân chở đỉa, nhưng họ khai lập lờ chở cho ông A, bà B chứ không biết gì”, ông Trưng nói.

Về tác hại của đỉa khi phát tán ra môi trường, ông Trưng đánh giá: “Đỉa đã sấy khô thì không thể sống lại được nhưng vẫn có thể lây lan mầm bệnh. Trong trường hợp đỉa còn sống mà đổ ra sông suối, ruộng đồng thì sẽ phá hoại môi trường. Không may người dân xuống ruộng mà bị đỉa bám vào thì cũng có thể khiến lây lan các mầm bệnh”, ông Trưng nói.

Ông Trưng cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chưa từng phát hiện một cơ sở nào chế biến hay nuôi đỉa.

“Mặc dù chưa phát hiện các vụ nuôi đỉa trên địa bàn, nhưng chúng tôi vẫn đang hết sức khuyến cáo nhân dân, từ huyện triển khai xuống xã, rồi xã triển khai cho bà con trong các cuộc tập huấn nông dân. Chúng tôi khuyến cáo bà con không nên phát tán đỉa, ảnh hưởng tới môi trường và nhiều vấn đề khác”, ông Trưng thông tin.

Cũng theo ông Trưng, các lô hàng như thế này rất khó để nhận biết. “Chỉ là tình cờ hoặc nghi ngờ thì anh em kiểm tra và phát hiện ra; chứ họ còn chiêu trò giấu cùng với trái cây, ngụy trang nhiều cách, khó phát hiện lắm. Như mấy đợt trước là đỉa sống được đóng trong thùng xốp”, ông Trưng nói.

“Tôi cũng đã coi các nghị định, thông tư về xử phát hành chính liên quan tới vụ việc này nhưng không thấy điều nào có thể áp dụng, nên trước mắt chỉ có thể tiêu hủy”, ông Trưng nói thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Tây Ninh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN