Bộ trưởng Tài chính nói gì về nâng khung thuế môi trường với xăng dầu?

Sự kiện: Giá xăng

Chiều 17/1, tại buổi gặp mặt báo chí cuối năm, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói rằng, việc đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là để đáp ứng yêu cầu điều hành vĩ mô thời gian tới và thực tế hội nhập của Việt Nam.

“Mức thuế môi trường với xăng dầu bao nhiêu, tùy điều kiện kinh tế, khả năng từng thời kỳ, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thu cụ thể. Mức thu vừa đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, vừa tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh. Thuế môi trường với xăng dầu để phục vụ đa mục tiêu, đây là đề xuất nâng khung, không phải để tăng thuế ngay lên mức đó”, ông Dũng nói.

Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, Luật Ngân sách có hiệu lực từ năm 2017 cũng quy định, thuế xuất - nhập khẩu, thuế xăng dầu sẽ điều tiết về ngân sách trung ương, nên phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp, tương thích các luật với nhau.

Ngoài ra, xu hướng chung với thế giới thuế nội địa là quan trọng và giảm thuế xuất - nhập khẩu. Nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chỉ là biện pháp kỹ thuật, khi Việt Nam thực hiện các cam kết hội nhập, như giảm thuế nhập khẩu với xăng dầu nhập từ Hàn Quốc, các nước ASEAN. “Hiện giá xăng dầu Việt Nam đã liên thông với thị trường toàn cầu, phải đảm bảo mức giá tương đương thế giới và chống buôn lậu qua biên giới. Đây là giải pháp kỹ thuật, không phải tăng thu thuế với xăng dầu để làm tăng giá bán”, ông Dũng nói.

Cùng với đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ đưa yêu cầu dán tem các cây xăng vào điều kiện kinh doanh, nhằm chống gian lận trong mua bán xăng dầu.

Bộ Tài chính xác định, một trong những giải pháp quan trọng của tái cơ cấu ngân sách nhà nước là tái cơ cấu thu và giảm bội chi. Vì vậy, thời gian tới sẽ nghiên cứu điều chỉnh 8 sắc thuế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và hội nhập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Hữu Việt (Tiền phong)
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN