"Uber và Grab có thể khiến taxi truyền thống phá sản"

Đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng Grab và Uber không chỉ cung cấp phần mềm mà bản chất là kinh doanh vận tải bằng xe taxi. Loại hình dịch vụ này có thể đẩy các hãng taxi truyền thống gặp khó khăn, thậm chí là phá sản.

Ngày 19.11, Hiệp hội vận tải Hà Nội tổ chức hội thảo hệ lụy của loại hình Uber taxi , Grab taxi và các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng vận tải.

"Uber và Grab có thể khiến taxi truyền thống phá sản" - 1

Ngày 19.11, Hiệp hội vận tải Hà Nội tổ chức hội thảo hệ lụy của loại hình Uber taxi , Grab taxi

Tại buổi hội thảo, nhiều thành viên của Hiệp hội đã chỉ ra những điều được cho là “hệ lụy” do Uber, Grab gây ra đối với taxi truyền thống, với thị trường vận tải taxi và người tiêu dùng. Tuy nhiên, đại diện của Uber và Grab đã không được mời đến dự buổi hội thảo này.

Ông Nguyễn Anh Quân - Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: “Thực chất việc kinh doanh dịch vụ taxi sử dụng phần mềm kiểu Grab và Uber không tạo ra thị trường mới mà chỉ đơn giản là giành lấy thị phần từ thị trường hiện tại có hãng taxi truyền thống đã có sẵn ở Việt Nam”.

Ông Quân đặt ra câu hỏi Uber và GrabTaxi là những công ty cung cấp giải pháp phần mềm kết nối hành khách với các hãng taxi hay là trực tiếp kinh doanh vận tải taxi?

Tự đưa ra câu trả lời sau đó, lãnh đạo Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: “Họ không được cung cấp dịch vụ vận tải, chỉ được cung cấp phần mềm nhưng về bản chất Uber và GrabTaxi là kinh doanh dịch vụ vận tải bằng taxi”.

Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng Uber và GrabTaxi đã tạo ra cạnh tranh không lành mạnh, trái pháp luật nên làm cho các hãng taxi truyền thống gặp khó khăn, thậm chí có thể dẫn đến phá sản, đẩy nhiều lái xe taxi truyền thống đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Đồng thời, trong khi thành phố cấm taxi truyền thống đi vào một số tuyến đường thì tài xế sử dụng dịch vụ Uber, GrabTaxi vẫn được lưu thông bình thường. Điều này được cho là góp phần gia tăng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM.

"Uber và Grab có thể khiến taxi truyền thống phá sản" - 2

Ảnh minh họa

Ông Quân kiến nghị các cơ quan chức năng cần ban hành pháp luật, quy định đầy đủ và rõ ràng về việc sử dụng các phần mềm kiểu dạng Uber và Grab trong hoạt động kinh doanh vận tải, đảm bảo sự công bằng và lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Ông Hoàng Ngọc Tân – Đại diện Hãng Taxi Ba Sao cũng đặt câu hỏi về hai cái tên gây tranh cãi kể trên và tự đưa ra câu trả lời: “Tên gọi là vận tải hành khách theo hóa đơn điện tử và kinh doanh vận tải bằng xe taxi có gì khác nhau không? Theo tôi là không khác nhau, bản chất vẫn là kinh doanh taxi. Vì vậy, tại sao cần phải có hai loại hình?”.

Tương tự, ông Phạm Duy Kính – Đại diện của VIC Taxi cũng cho rằng Uber và GrabTaxi đang kinh doanh giống như hoạt động kinh doanh của hãng taxi truyền thống. Tức là dùng ô tô đón khách từ nơi này đến nơi khách nhưng lại không chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước như taxi truyền thống.

Ông Kính cho hay: “Taxi Uber và Grab không cần phù hiệu, lô gô hãng, đồng hồ tính cước, thiết bị giám sát hành trình… nên tự do phát triển số lượng. Đặc biệt, loại hình này thu tiền cước thấp hơn giá thành nên gây rối loạn thị trường”.

Ông Nguyễn Xuân Thủy –  Vụ Phó Vụ vận tải, Bộ GTVT cho biết sẽ  tiếp thu ý kiến của hiệp hội, hãng taxi. Sau đó, đơn vị sẽ bàn với các bộ ngành, xem xét, có văn bản ý kiến về  Uber và GrabTaxi.

Uber là một dịch vụ trung gian hoạt động thông qua ứng dụng trên smartphone. Công ty không sở hữu xe ô tô, không có lái xe. Uber làm nhiệm vụ gắn kết người cần đi xe với người sở hữu xe. Xe tham gia vào mạng lưới uber là xe cá nhân, chính vì vậy nó còn được gọi là “taxi không biển hiệu”.

GrabTaxi là một ứng dụng dùng để đặt và điều phối xe taxi trên điện thoại thông minh. GrabTaxi cung cấp thông tin rõ ràng cho yêu cầu đặt xe của khách – tên tài xế, biển số xe, số điện thoại, và khoảng tiền ước lượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vinh Hải – Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Tranh cãi quanh taxi Uber Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN