Olympic: Tận cùng thảm họa, Brazil oằn mình giữa sóng dữ

Thứ Ba, ngày 02/08/2016 00:59 AM (GMT+7)
Chia sẻ

Brazil đăng cai Olympic Rio 2016 trong vô vàn những khó khăn về khủng hoảng kinh tế, bên cạnh đó dịch bệnh virus Zika. Đa số người dân Brazil đều không ủng hộ nước nhà đăng cai Thế vận hội khi cuộc sống không được đảm bảo, dù vậy các nhà lãnh đạo vẫn cương quyết tổ chức một kỳ Olympic thành công.

Sự kiện: Olympic Tokyo 2020

Năm 2009, khi nền kinh tế của Brazil đang trên đà phát triển, họ đón nhận tin vui trở thành chủ nhà của Olympic 2016. Rio de Janeiro (Brazil) vinh dự là thành phố đầu tiên tại Nam Mỹ được đăng cai một kỳ Thế vận hội mùa hè.

Olympic: Tận cùng thảm họa, Brazil oằn mình giữa sóng dữ - 1

Sau World Cup 2014, Brazil đối mặt với kỳ Olympic khó khăn

Hai năm sau (2011) kinh tế Brazil còn vươn lên đứng thứ 6 thế giới, nhưng sau đó, một loạt các vụ bê bối chính trị tại đã làm nền kinh tế quốc gia này suy thoái. Cuộc sống của người dân không được đảm bảo, vì thế Olympic là nguyên dân khiến các cuộc biểu tình gia tăng của người dân Brazil. Hơn lúc nào hết, Brazil sẽ phải đối mặt với những thảm họa, trước - trong - sau kỳ Thế vận hội 2016.

Chi tiêu vượt mức cho phép, các cuộc biểu tình gia tăng

Chính phủ Brazil đã chi tiêu vượt mức 1,6 tỷ USD để trang trải cho Olympic 2016, trong khi tiếp tục tuyên bố tình trạng khẩn cấp về tài chính chỉ vài tuần trước khi Olympic khai mạc.

Chi phí cho công tác chuẩn bị dù đã vượt quá 51% so với dự toán thì vẫn còn là khiêm tốn khi so sánh với các kỳ đại hội diễn ra trước đó, tuy nhiên điều này xuất hiện tại thời điểm Brazil đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng cả về kinh tế lẫn chính trị.

Thống đốc tạm quyền của Rio tuyên bố tình trạng thảm họa tài chính trước khi ngày khai mạc Olympic diễn ra vài tuần. Chính quyền Bang cắt giảm tài chính trên diện rộng, bao gồm cả ngân sách cho cảnh sát, lương của các sĩ quan cảnh sát đã bị trì hoãn trước đó.

“Khi Rio quyết định đăng cai Olympic, nền kinh tế Brazil đang vận hành tốt. Giờ đây, sau gần một thập kỷ, chi phí đang leo thang trong khi thiếu nguồn vốn để trang trải chúng". Thống đốc tạm quyền Rio giãi bày.

Theo những nghiên cứu của Đại học Oxford phân tích về Olympic mùa hè và Olympic mùa đông,  từ Rome 1960 và Thế vận hội mùa đông Squaw Valley 1960 cho thấy những chi phí phát sinh tại Thế vận hội lên tới 156%, Olympic là loại siêu dự án có mức phát sinh chi phí lớn nhất trên thế giới.

Thế vận hội Rio 2016, với chi phí dự kiến ban đầu là 4,6 tỷ USD, song họ đã phải chi thêm 1,6 tỷ USD dù vậy, những chi phí phát sinh này chưa phải là những con số cuối cùng.

Olympic: Tận cùng thảm họa, Brazil oằn mình giữa sóng dữ - 2

Nhân viên cảnh sát và lính cứu hỏa phản đối việc chậm trễ trả lương tại Rio de Janeiro, Brazil

Tình trạng bạo lực gia tăng trong khi cảnh sát lại không được trả lương trong nhiều tháng qua. Cũng đã có 50 cảnh sát ở Rio de Janeiro bị các băng nhóm tội phạm giết từ đầu năm 2016 tới nay.

Nhiều nhân viên cảnh sát đã giận dữ kéo ra sân bay Rio de Janeiro giương cao biểu ngữ “Chào mừng đến với địa ngục”, “Cảnh sát và lính cứu hỏa không được trả tiền, bất cứ ai đến Rio de Janeiro sẽ không được an toàn”… Không chỉ người nước ngoài mà ngay cả người dân địa phương cũng lo ngại an ninh ở Rio de Janeiro cùng với tình trạng cảnh sát lạm quyền.

Sẽ có 85.000 nhân viên an ninh được triển khai tại các địa điểm thi đấu Olympic 2016 và những nơi quan trọng như sân bay, nhà ga... Con số này gấp đôi kỳ Olympic 2012 tại London.

Thảm họa nước bẩn, virus Zika

Đây là những vấn đề không mới nhưng 7 năm kể từ ngày chính thức nhận quyền đăng cai Thế vận hội, tình trạng vệ sinh môi trường ở quốc gia này vẫn không có gì chuyển biến.

Khi nỗi lo về virus Zika chưa dứt thì các nhà khoa học Brazil đã phát hiện một loại siêu vi khuẩn kháng thuốc nhóm Carbapenem-resistant Enterobacteriaceae (CRE) tại các bãi biển Flamengo và Botafogo ở Rio de Janeiro. Các nhà khoa học cho biết, CRE kháng thể tốt trước cá loại kháng sinh. CRE có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng đường tiết liệu.

Olympic: Tận cùng thảm họa, Brazil oằn mình giữa sóng dữ - 3

Ở Rio quá nhiều rác thải chưa được xử lý đổ ra sông, gây nên ô nhiễm nặng

Ở khu vực vịnh Guanabara, địa điểm tổ chức nội dung đua thuyền buồm, có hàng nghìn tấn rác thải chưa qua xử lý được đổ ra sông mỗi ngày. Chuột nhiều vô kể ở Rio quanh những bãi rác, trong khi du khách mới tới chưa kịp thích ứng dễ có cảm giác buồn nôn vì mùi hôi thối, nhất là vào buổi tối.

Lượng nước thải qua xử lý Rio hiện đã được tăng lên 51% từ mức 11% cách đây 7 năm, nhưng xem ra chưa an toàn, nó vẫn là yếu tố rủi ro tiềm ẩn với du khách và vận động viên. Có rất nhiều mối lo tại Rio có thể biến Thế vận hội 2016 trở nên thảm họa.

Brazil có thể đối mặt với suy thoái kinh tế trầm trọng, cũng như các dịch bệnh có thể lây lan mạnh mẽ. Dù vậy, ông Carlos Arthur Nuzman, Chủ tịch Ủy ban Olympic Brazil khẳng định: "Thành phố xinh đẹp này tự tin tổ chức một kỳ Olympic thành công".

Mời các bạn đón xem phần tiếp theo bài 3 về những scandal chấn động Olympic vào 6h, sáng mai 3/8!

Chia sẻ
Theo Q.H (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
sự kiện Olympic Tokyo 2020
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN