Chai Whisky hảo hạng Murray

Câu hỏi từng đặt ra sau khi Andy Murray giành HCV Olympic là liệu chiến thắng mang màu sắc dân tộc có giúp anh vươn lên tới đỉnh cao giống như Djokovic đã sớm tìm ra câu trả lời: Có.

Bấm đây xem video trận chung kết US Open!

Khi sức ép giải tỏa

Andy Murray đánh bại chính Djokovic trong trận chung kết để vô địch US Open, giải đấu đầu tiên anh lọt vào tới chung kết cách nay 5 năm. Đó là danh hiệu Grand Slam đầu tiên của Murray, của một người Scotland chơi tennis, và cũng là đầu tiên của cả Vương quốc Anh sau 76 năm kể từ ngày Frederick Perry vô địch Wimbledon năm 1936.

Nếu chúng ta xem lại những tấm hình từ ngày Murray vào chung kết US Open 2008, sẽ thấy trên ngực áo của anh là biểu tượng vòng nguyệt quế - một nhãn hiệu thời trang mang chính tên của Frederick Perry. Hai năm qua, Murray đã cởi bỏ chiếc áo Perry để mặc lên người chiếc áo Adidas. Đó là câu chuyện của thương mại khi giá trị hợp đồng với Adidas mang lại cho anh 5 triệu USD/năm, nhưng đó cũng là một quyết định để giải tỏa sức ép. Để người ta không phải nhìn thấy anh với một hình tượng Fed Perry như một sự ám ảnh.

Sức ép là từ được Murray nhắc tới đầu tiên ở buổi tối vĩ đại ở New York vẫn còn nóng hổi. Anh lý giải chiến thắng ở Olympic London đã giải tỏa gánh nặng trên đôi vai, rằng anh đã hoàn tất được việc cần phải đạt được một danh hiệu lớn, giúp anh trở nên tự tin hơn trong những thời khắc quyết định của những trận đấu quan trọng.

Cả chặng đường của US Open năm nay, Murray may mắn khi không gặp Federer (bị Berdych loại) và Nadal (chấn thương không tham dự). Nhưng chơi như cách anh thể hiện trong hai set đầu và set quyết định của trận chung kết trước Djokovic, có thể tin là anh đủ sức và đủ niềm tin để vượt qua bất cứ đối thủ nào.

Ở pha cứu điểm break đầu tiên trong trận đấu, Murray thực hiện cú trái tay dọc dây khi Djokovic đã tràn lưới. Cú đánh này Murray đã không dám thi triển ở Wimbledon trước Federer. Vấn đề mấu chốt ở đây không phải là kỹ thuật (vì cú đánh ấy người ta được học ngay từ những năm đầu tiên cầm vợt), mà nó nằm ở tâm lý.

Chai Whisky hảo hạng Murray - 1

Một trận chung kết hấp dẫn

Ở game đầu tiên của trận đấu mà Murray giao bóng giành chiến thắng, sau loạt đôi công kéo dài tới 54 lần chạm vợt mà anh là người mất điểm, không giống những lần trước đó, Murray đứng dậy mạnh mẽ hơn, tung ra ba cú giao bóng uy lực để chiến thắng. Bản lĩnh ấy thêm một lần bộc lộ rõ nét ở loạt tiebreak set 1, bỏ qua năm cơ hội nhưng Murray không đánh mất chiến thắng sau khi tận dụng xuất sắc cơ hội thứ sáu. Và thêm lần thứ hai nữa khi set 2 tưởng như Murray thua ngược sau khi dẫn 5-3 rồi bị san bằng 5-5, anh vẫn thắng 7-5.

Hay khi trận đấu bắt đầu, gió bất ngờ nổi lên như chực cuốn phăng những tờ báo, những cái túi nilông mà các khán giả cầm trên tay. Thậm chí, trọng tài còn phải tắt micro để ngắt tiếng gió vù vù thổi qua loa phát thanh gây phiền toái. Trong điều kiện ấy, Murray cũng thắng Djokovic ở việc xác định tâm lý, lựa chọn chiến thuật. Anh không nôn nóng, lựa theo chiều gió để dụ Djokovic mắc sai sót.

Và khi trận chung kết kéo sang set thứ năm, nỗi ám ảnh của trận bán kết Australian Open 2012 lại hiện về. Liệu Djokovic có lội ngược dòng một lần nữa, liệu Murray có chết ngay bậc thềm thiên đường như anh đã ngã bao lần? Không, Murray chơi theo tinh thần của Nadal, của Federer, đó là phải chính xác ở những thời khắc sinh tử. Ở giải đấu này, Murray không phải là người thể hiện phong độ hủy diệt được như Djokovic. Nhưng anh đáng nể ở thành tích chiến thắng cả năm loạt tiebreak mà anh gặp phải. Tiebreak trong trận chung kết là lần thứ sáu anh thắng ở giải này. 6-0, một bằng chứng hùng hồn của cái gọi là bản lĩnh trong những điểm quyết định.

Một Ivan Lendl vĩ đại

"Bà này, đó chỉ có thể là thứ tennis bà thường thấy ở những trận đấu của chị em", Ivan Lendl đã phán như vậy với bà Judy Murray, khi cả hai ngồi chứng kiến Andy Murray loay hoay giao bóng ở vòng 1 của giải đấu. Ivan Lendl với những lời nói sắc bén dựa trên một nền tảng kiến thức và sự từng trải của người tám lần vô địch Grand Slam đã làm thay đổi con người Murray.  

Để chuẩn bị cho US Open và cả khi giải đang diễn ra, Ivan Lendl còn sụt cân nhanh và nhiều hơn cả học trò của mình. Đó là bằng chứng của sự lao động, của những nỗ lực bỏ ra để tìm ra con đường vươn tới thành công. Thế mà Ivan Lendl chỉ khẽ cười khi Andy Murray nhắc tới tên ông như một sự tri ân trong lễ trao giải.

Murray vốn dĩ đã là một tay vợt xuất sắc với những kỹ năng tương đối toàn diện (nếu như chúng ta không tính tới Federer, Nadal và Djokovic phiên bản 2011). Thế nhưng, nhìn vào Murray, người ta không khó để nhận ra những cái mà Ivan Lendl đã nâng cấp cho Murray: Từ cú thuận tay uy lực hơn, dám đánh những đường bóng ăn điểm cho tới cú trái tay biết đổi hướng, và sự lạnh lùng trong những cú passing bắn lưới.

Sống và thi đấu trong cái thời của những tinh hoa volley, Lendl đã tự mình lùi lại phía cuối sân để khai thác những ưu điểm của lối đánh baseline mà ngoài ông chỉ có Bjorn Borg ngày ấy áp dụng.

John McEnroe khi nhìn Djokovic bị bắn thủng sau nhiều lần lên lưới, đã phân tích Djokovic với một giọng lẫn chút cáu kỉnh là "cậu ta đã không chú ý tới hai dây khi lên volley). Thực sự thì với khả năng bắn lưới như Murray học được và thi triển, quả là rất khó để che được cho hết 8,23m chiều rộng của mặt sân.

Chai Whisky hảo hạng Murray - 2

Giấc mơ trở thành sự thật

Cũng phải nói tới một điểm nữa, là Djokovic hầu như không đẩy được Murray lùi quá sâu. Siêu sao người Serbia tràn lưới trong một tâm trạng là anh muốn hạn chế những khó khăn gây nên từ những cơn gió như lốc ở sân Arthua Ashe.

Ở trận bán kết với David Ferrer trong điều kiện thời tiết gió lớn, Djokovic cũng đã chơi theo cách đó và anh bị gác vợt nhanh chóng ở tỉ số 2-5. May cho Djokovic là khi đó BTC e ngại có thể có giông tố nguy hiểm, đã cho dừng trận đấu ngay cả khi trời chưa mưa, để anh thi đấu trong điều kiện thuận lợi hơn trong ngày chủ nhật, và có mặt trong trận chung kết US Open lần thứ ba liên tiếp.

Djokovic và kịch bản cũ

Nếu đặt lên bàn cân, trận chung kết năm nay của Djokovic dở hơn cả trận anh thua Nadal năm 2010 và dĩ nhiên không thể bằng trận thắng huy hoàng năm 2011. 65 (-25) lỗi đánh hỏng với tỉ lệ giao bóng một ăn điểm là 63% và giao bóng hai ăn điểm 42% đã cho thấy điều đó. Tỉ lệ tương ứng của anh trong trận chung kết năm 2010 là 64%, 46% và 47 (-2).

Nhưng không phải là một kết cục bất ngờ bởi những gì diễn ra chỉ là sự tiếp nối của những giải đấu gần đây mà anh luôn đi theo một quy luật: Chơi cực tốt trong những trận đấu vòng ngoài, nhưng lại đánh mất chính mình trong những trận quyết định.

Wimbledon anh chơi thần tốc cho tới hết tứ kết và thua cũng thần tốc trước Federer ở bán kết. Olympic anh thắng như chẻ tre rồi thua chóng vánh sau ba set trước Murray, và thua luôn cả Del Potro trong trận tranh HCĐ. Ngay cả Cincinnati, Djokovic cũng chơi tưng bừng cho tới tận bán kết rồi sập hầm trong trận chung kết với Federer ở set 1 và thua tiếp set 2 sau loạt tiebreak.

Sự trồi sụt của Djokovic cộng với vấn đề tuổi tác của Federer và chấn thương của Nadal đã tạo cơ hội cho Andy Murray trong một năm anh trưởng thành vượt bậc (1 Grand Slam, HCV Olympic, 1 CK Wimbledon, BK Australian Open), làm nên lịch sử. Và tennis đương đại cũng có một chương mới khi lần đầu tiên có bốn tay vợt khác nhau vô địch Grand Slam trong một năm.

Có thể Murray còn một chặng đường dài để sánh ngang với Djokovic, và cũng tương tự như thế, tay vợt người Serbia chưa thể ngồi cùng mâm với Nadal và Federer. Nhưng dù sao giờ đây cũng đã có một top 4 đúng nghĩa.

Tennis trở nên vĩ đại hơn, cuốn hút hơn nhờ có Federer, Nadal hay kịch tính hơn nhờ có Djokovic. Chúng ta đã, đang và sẽ vẫn yêu họ và phải biết ơn những huyền thoại và ngôi sao ấy. Nhưng tennis không nên là cuộc chơi của riêng họ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN