Uy lực bom khinh khí Triều Tiên tuyên bố sở hữu

Lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un gần đây tuyên bố nước này đã có bom khinh khí, trở thành "cường quốc hạt nhân". Bom khinh khí thực sự mạnh đến mức nào?

“Chúng ta đã trở thành một cường quốc hạt nhân có thể bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bằng những đòn đáp trả hạt nhân và bom khinh khí”, ông Kim Jong-un phát biểu trong một chuyến thăm tổ hợp nhà máy vũ khí ở Bình Nhưỡng ngày 10.12. Ông Kim Jong-un cũng cho biết “sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền công nghiệp quốc phòng Triều Tiên”.

Mặc dù giới quan sát quốc tế cho rằng gần đây Triều Tiên không hề có động thái nào chứng tỏ đã thiết kế thành công và sở hữu một quả bom khinh khí, nhưng tuyên bố của ông Kim Jong-un cũng gây ra một sự chú ý đáng kể, khiến nhiều người tò mò về loại bom này.

Bom khinh khí là loại bom có sức mạnh khủng khiếp nhất từng được loài người chế tạo. Đây là một loại bom hạt nhân mạnh nhất và theo đánh giá, sức công phá của bom khinh khí gấp 2.000 lần quả bom nguyên tử từng được thả xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản).

Bom hạt nhân (thường được biết tới tới là bom A), giải phóng năng lượng nhờ phản ứng phân hạch của các nguyên tử như uranium và plutonium. Ngược lại, bom khinh khí hay bom H tạo ra năng lượng nhờ sự hợp hạch của các nguyên tử tritium và deuterium nên năng lượng sản sinh còn lớn gấp hàng ngàn lần.

Uy lực bom khinh khí Triều Tiên tuyên bố sở hữu - 1

Đám mây hình nấm khổng lồ từ một vụ nổ bom khinh khí (bom H).

Khi Tổng thống Mỹ Truman đồng ý thả bom A xuống Hiroshima và Nagasaki, ông cho biết quả bom này tỏa ra năng lượng chẳng khác gì mặt trời. Tuy nhiên, năng lượng từ mặt trời là phản ứng hợp hạch chứ không phải phân hạch. Bom H trong thực tế mới tạo ra năng lượng như mặt trời.

Phản ứng hợp hạch tạo ra các phân tử nặng hơn nhờ kết hợp các nguyên tử nhẹ. Mặt trời lấy năng lượng từ việc hợp nhất các nguyên tử hidro thành helium. Phản ứng hợp hạch rất khó xảy ra vì các nguyên tử được tích điện dương nên nó sẽ đẩy các nguyên tử khác do tác động của lực điện từ. Các nguyên tử hợp nhất lại với nhau trong phản ứng hợp hạch do một lực mạnh hơn rất nhiều lực điện từ.

Để có được phản ứng hợp hạch, các nguyên tử phải ở rất gần nhau. Ở mặt trời, lực hấp dẫn kéo các nguyên tử lại sát nhau. Trong bom H, lực này sản sinh ra sự kết hợp của áp suất cực lớn và nhiệt độ rất cao gây ra bởi phản ứng phân hạch. Một quả bom khinh khí có 2 giai đoạn: giai đoạn phản ứng phân hạch ban đầu kích hoạt cho phản ứng hợp hạch xảy ra sau đó. Một quả bom phân hạch diễn ra sẽ tạo ra môi trường khoảng 11 triệu độ C để phản ứng hợp hạch tiếp diễn.

Ý tưởng quả bom khinh khí đầu tiên được thử nghiệm trong lịch sử là vào ngày 9.5.1951 do quân đội Mỹ thực hiện. Hầu hết năng lượng trong vụ thử mang tên “George” có được là do phản ứng phân hạch nhưng đây là nền tảng quan trọng để chế tạo ra một loại bom còn khủng khiếp hơn về sau. Một cuộc thử nghiệm thứ hai mang tên “Item” được thực hiện vào ngày 25.5.1951.

Cuộc thử nghiệm bom khinh khí chính thức đầu tiên, “Ivy Mike”  được quân đội Mỹ thực hiện ngày 1.11.1952. Quả bom phát nổ với một năng lượng tương đương 10,4 megaton TNT – mạnh hơn 450 lần so với quả bom hạt nhân thả xuống Nagasaki trong Thế chiến II. Sử dụng deuterium lỏng làm nhiên liệu, quả bom khinh khí cần tới 18 tấn thiết bị làm lạnh. Đây không phải là một quả bom sử dụng được trên chiến trường, tuy nhiên đã chứng minh rằng năng lượng hợp hạch là khủng khiếp thế nào.

Uy lực bom khinh khí Triều Tiên tuyên bố sở hữu - 2

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này đã sở hữu bom khinh khí.

Vụ thử tiếp theo mang tên Castle Bravo dùng nhiên liệu lithium deuteride dạng rắn để thay thế giúp giảm trọng lượng thiết bị và không cần máy làm lạnh gắn kèm. Điều này giúp mang quả bom trên máy bay hoặc gắn vào tên lửa trở nên thực tế hơn.

Vụ thử Castle Bravo với sức công phá 15 megaton là vũ khí hạt nhân mạnh nhất từng được quân đội Mỹ thử nghiệm. Tuy nhiên, quả bom khinh khí mạnh nhất thế giới được Liên Xô kích nổ trên bãi thử ở đảo Novaya ngày 30.10.1961. Với tên hiệu “Ivan bự”, quả bom sức hủy diệt 50 megaton khiến toàn bộ khu vực 25km xung quanh bãi thử bị phá nát hoàn toàn và thậm chí còn làm vỡ cửa kính những tòa nhà cách đó 900km. Nhân chứng cho biết một quả cầu lửa bùng nổ trên mặt đất rồi vươn cao 10.000m. Đám mây hình nấm cao 64.000m và ánh sáng từ vụ nổ có thể nhìn thấy ở khoảng cách 1.000km.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh – Tổng hợp ([Tên nguồn])
Triều Tiên thử bom nhiệt hạch Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN