Trái đất đang khiến Mặt trăng teo nhỏ?

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Các nhà khoa học của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện hàng ngàn vết nứt trên bề mặt Mặt trăng được cho là kết quả của sự teo nhỏ kích thước Mặt trăng.

Sự lên xuống hằng ngày của thủy triều trên Trái đất chính là kết quả của lực hấp dẫn từ việc Mặt trăng di chuyển quanh hành tinh chúng ta.

Tuy nhiên, lực hấp dẫn của Trái đất thực ra là giữ Mặt trăng ở đúng quỹ đạo của nó, dường như có ảnh hưởng lớn hơn nhiều đối với vệ tinh đá này. Nó xé toạc bề mặt khiến Mặt trăng teo nhỏ đi.

Trái đất đang khiến Mặt trăng teo nhỏ? - 1

 Hình ảnh một vết nứt trên bề mặt Mặt trăng

Các nhà khoa học của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã nhận diện hơn 3.200 vết nứt mà mỗi vết dài khoảng vài km và sâu hàng chục mét.

Phân tích những vết nứt này cho thấy chúng là kết quả của sự teo nhỏ kích thước Mặt trăng khi lõi của nó nguội dần đi. Chúng đang hình thành do các lực hấp dẫn thủy triều từ Trái đất.

Tiến sĩ Thomas Watters, nhà khoa học cấp cao của Viện bảo tàng hàng không và vũ trụ quốc gia Smithsonian, Mỹ nói: “Có một dạng đồng nhất về phương hướng của hàng ngàn vết nứt. Nó cho thấy có thứ gì đó đang tác động ở quy mô toàn cầu, nhào nặn và sắp xếp lại chúng”.

Các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát thấy các vết nứt – “đường dốc phân thùy” từ năm 2010 khi tàu thám hiểm Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) của NASA phát hiện nằm rải rác trên bề mặt Mặt trăng.

Ban đầu họ nhận định quá trình nguội dần và teo lại, tiếp sau đó lớp vỏ rắn cứng phía trên bị oằn và nứt tách.

Điều này có thể dẫn tới các vết nứt đứt đoạn đảo ngược, không có dạng nhất định về phương hướng.

Tuy nhiên, các phân tích ảnh chụp gần ¾ bề mặt Mặt trăng với độ phân giải cao, nhóm nghiên cứu phát hiện ra hơn 3.000 vết nứt. Dường như chúng có phương hướng nhất định, do vậy chúng phải hình thành dưới tác động của các lực khác.

Họ cho rằng các thay đổi về lực hấp dẫn trên Mặt trăng khi đang dịch chuyển quanh Trái đất đủ để gây ra sức ép đặc biệt trên bề mặt.

Tiến sĩ Watters giải thích khi các lực thủy triều cộng hưởng với sự teo rút toàn cầu của phần lõi mát, sức ép tổng cộng của chúng sẽ khiến các vết nứt hình thành theo các dạng mẫu nhất định.

Các đường nứt gãy vẫn còn mới và dường như vẫn đang tích cực hình thành. Chúng được cho là quá trình kiến tạo đất phổ biến nhất trên Mặt trăng.

Tiến sĩ Mark Robinson, nhà nghiên cứu ở Đại học Arizona State, đồng tác giả cho hay: “Kết quả này chức đựng nhiều điều mới chưa từng phát hiện trước đây. Độ phân giải hình ảnh cao cho chúng tôi những kết quả thực sự vượt trội”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Dung ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN