Bị vây hãm, IS bắt hàng nghìn người làm lá chắn sống

Trong khi các lực lượng Iraq nỗ lực bao vây Ramadi, các chiến binh của tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo (IS) vốn đang nắm quyền kiểm soát thành phố này cũng ráo riết bắt giữ hàng nghìn người dân vô tội để làm lá chắn sống.

Theo Reuters, các lực lượng Iraq đang phong tỏa thành phố Ramadi ở miền tây nước này. Họ đã cắt đứt tuyến đường tiếp tế cuối cùng của các chiến binh IS ở bên trong Ramadi vào tháng 11, bao vây và khóa chặt thành phố này. Quân đội Iraq cho biết, họ đã tái chiếm 60% Ramadi vào ngày 8.12.

Tuần trước, chính phủ Iraq đã thúc giục người dân nhanh chóng tìm cách thoát khỏi Ramadi song nhiều người cho biết, họ bị IS ngăn lại. Những người cố trốn khỏi thành phố nhưng bị bắt lại có thể bị xử tử. Các chiến binh IS thậm chí còn cắt cử lính bắn tỉa để bắn chết bất cứ ai cố tìm cách thoát thân.  

Bị vây hãm, IS bắt hàng nghìn người làm lá chắn sống - 1

Ba chiến binh IS chụp ảnh "tự sướng" ở bên trong Ramadi sau khi chiếm được thành phố này.

Cũng do Ramadi bị phong tỏa, hàng nghìn cư dân, chủ yếu là người Sunni bị kẹt lại bên trong thành phố đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Các quan chức địa phương và thủ lĩnh các bộ tộc ước tính, còn khoảng 1.200-1.700 gia đình vẫn còn đang bị mắc kẹt bên trong Ramadi. Cuộc sống của họ bị IS kìm kẹp đến mức như bị nhốt trong những "cỗ quan tài kín mít".

Hãng tin Reuters đã phỏng vấn 5 cư dân Ramadi và 3 người vừa trốn thoát khỏi thành phố thành công.

Tất cả những người này đều cho hay, điều kiện sống ở Ramadi trở nên tồi tệ ngay khi IS chiếm được thành phố này vào đầu năm 2015.

“Các chiến binh IS ngày càng đa nghi và tàn bạo. Chúng không cho chúng tôi rời khỏi nhà. Ai trái lệnh, ra khỏi nhà đều bị bắt giữ và bị điều tra... Chúng tôi cảm thấy như đang sống trong một cỗ quan tài kín mít", Reuters dẫn lời Abu Ahmed, một công dân ở Ramadi.

Bị vây hãm, IS bắt hàng nghìn người làm lá chắn sống - 2

Người dân Ramadi lũ lượt chạy trốn khỏi bạo lực bên trong thành phố hồi tháng 5.2015.

Khatab al-Amir, một công dân khác cho biết, IS cấm tự do đi lại do lo ngại trong số những người đi lại này có cả các chỉ điểm của quân đội Iraq cũng như lực lượng Mỹ.

Việc chiếm được Ramadi – thủ phủ tỉnh Anbar ở thung lũng Euphrate gần với thủ đô Baghdad của Iraq được cho là thắng lợi lớn nhất của IS trong năm 2014. Nếu quân đội Iraq tái chiếm được thành phố này trong thời gian tới, đây sẽ là một thắng lợi to lớn của họ. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố sẽ sớm tái chiếm toàn bộ thành phố trong vài ngày tới. 

Trước nguy cơ mất Ramadi, IS gần đây tăng cường các hoạt động tuần tra bằng xe máy bên trong thành phố để bắt những ai sử dụng điện thoại di động, vốn bị cấm trong lãnh thổ mà chúng kiểm soát. Các tòa nhà cao không có người ở cũng bị giám sát.

Bị vây hãm, IS bắt hàng nghìn người làm lá chắn sống - 3

Các chiến binh IS ngồi ô tô diễu hành trên phố Ramadi. Ảnh: CNN.

“Chúng (IS) ngày càng bóp nghẹt chúng tôi. Chúng coi chúng tôi như tù nhân”, Abu Ahmed nói với Reuters qua điện thoại. Ahmed đã phải mạo hiểm leo lên lên mái nhà để bắt được tín hiệu di động dù khá yếu. Anh phải đội một hộp carton lên đầu để các chiến binh IS tuần tra bên dưới không phát hiện ra mình.

Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn bị cắt ngang giữa chừng khi Ahmed nghe thấy tiếng xe tuần tra của IS.

“Tôi phải đi đây. Tôi nghe thấy tiếng xe máy của IS. Tôi có thể mất đầu nếu...”, anh nói vội trước khi cúp máy.

Trong khi đó, Um Mohammed, một giáo viên vật lý chạy khỏi Ramadi hôm 6.12 chia sẻ: “Bộ mặt xấu xí của IS đã lộ rõ. Chúng đối xử với phụ nữ như súc vật. Tôi cảm thấy mình sống như nô lệ".

Khi trốn thoát thành công lkhoir Ramadi, Um Mohammed nhấn mạnh, cô cảm thấy mình như được hồi sinh.

Không chỉ bị kìm kẹp về việc đi lại, người dân Ramadi còn đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm trầm trọng. Họ đang sống nhờ chút ít bột mì và rau được phân phối.

“Chúng tôi toàn ăn bánh mì cũ với cà chua thối. Có lẽ chúng tôi sắp phải giết thịt cả con mèo mà chúng tôi nuôi trong nhiều năm qua, vì không còn gì để ăn cả”, Reuters dẫn lời một cư dân tên là Omar.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Đăng (theo Reuters) ([Tên nguồn])
Phiến quân Hồi giáo IS Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN